Cấp bách giải quyết nhu cầu về nước cho 2 huyện miền núi thường xuyên khô hạn

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:38, 02/11/2020

(TN&MT) - Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (CMĐSDR), sớm đưa Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ  An là nhiệm vụ cấp bách để giải quyết tốt như cầu về nước tưới, nước sản xuất của 2 huyện miền núi của tỉnh Ninh Thuận, vùng tây Nghệ An và Nam Thanh Hóa.  

Sáng 2/11, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV bắt đầu đợt họp tập trung tại Nhà Quốc hội (Ba Đình - Hà Nội) và dự kiến bế mạc vào 17/11. Trước đó, Quốc hội họp trực tuyến từ 20-27/10.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, dự án hồ chứa nước Sông Than được khởi công xây dựng vào tháng 7/2018 đến nay đã triển khai xây dựng được khoảng 35% khối lượng công việc; nhằm cấp nước tưới cho 4.500 ha đất canh tác; cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 hộ dân vùng hạ lưu, cấp 24 triệu m3/năm cho các ngành kinh tế khác; cấp nước bổ sung cho các hồ chứa nước Lanh Ra, Tà Ranh và Bầu Zôn, cắt giảm lũ cho khu vực hạ du và tình trạng ngập úng.

Trong khi đó, dự án hồ chứa nước Bản Mồng đã triển khai xây dựng được khoảng 90% khối lượng công việc. Bên cạnh cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước cho công nghiệp, dân sinh; dự án bổ sung nước về mùa kiệt cho sông Cả với lưu lượng 22 m3/s và cho 2 hệ thống thủy lợi lớn ở hạ du là Nam và Bắc Nghệ An; kết hợp phát điện (45MW); tích nước phòng lũ, giảm lũ cho hạ du sông Hiếu; phục vụ phát triển công nghiệp, du lịch.

Phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng

Báo cáo thẩm tra đề nghị xem xét, quyết định chủ trương chuyển MĐSDR sang mục đích sử dụng khác để thực hiện hai dự án nói trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho hay, đến nay, hai dự án trên đều có thời gian thực hiện kéo dài do gặp khó khăn về bố trí nguồn vốn, đến năm 2011 đều bị tạm dừng hoặc dừng dãn tiến độ; đến khi thực hiện trở lại thì do thay đổi quy định của pháp luật về lâm nghiệp nên dự án phải CMĐSDR rừng phòng hộ đầu nguồn.

Qua khảo sát thực tế và báo cáo tại các địa phương cho thấy, các tỉnh đều thực hiện tốt công tác trồng rừng, có tỷ lệ che phủ rừng cao; diện tích rừng phải chuyển đổi để thực hiện Dự án đều là những diện tích bắt buộc phải chuyển đổi để bảo đảm hiệu quả công trình. Bên cạnh đó, theo đánh giá của cơ quan chức năng thì chất lượng các diện rừng phải chuyển đổi đều là rừng nghèo, nghèo kiệt.

Từ hôm nay (2/11), Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV bắt đầu đợt họp tập trung. Ảnh: Quốc Khánh

Do vậy, việc chuyển đổi MĐSDR để sớm đưa các dự án này sớm hoàn thành vào hoạt động là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, đối với Dự án Hồ chứa nước sông Than cần giải thích rõ thêm về tính tối ưu của việc điều chỉnh, nâng dung tích hồ chứa; đối với hồ chứa nước Bản Mồng cần lưu ý sau khi được Quốc hội quyết định chủ trương chuyển MĐSDR thì cần cập nhật báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án.

Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) đánh giá, dự án Hồ chứa nước Sông Than, dự án hồ chứa nước Bản Mồng cơ bản phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng (giai đoạn 2011- 2020; quy hoạch 03 loại rừng giai đoạn 2016-2025; phù hợp với quy hoạch thủy lợi của các địa phương, của tỉnh, quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050; phù hợp với Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Tuy nhiên, đối với Dự án Hồ chứa nước Bản Mổng, lưu ý UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm cập nhật thông tin của Dự án vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất huyện Như Xuân giai đoạn 2021- 2030; Kế hoạch sử dụng đất huyện Như Xuân năm 2021 và hoàn thiện đầy đủ hồ sơ trình cấp thẩm quyền thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thống nhất, đồng bộ với CMĐSDR theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quy hoạch.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện hai dự án

Ủy ban KHCN&MT cho rằng, các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết tốt như cầu về nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ và dân sinh, cải thiện điều kiện hạ tầng thiết yếu cho phát triển KT-XH của 2 huyện miền núi thường xuyên chịu khô hạn của tỉnh Ninh Thuận, vùng tây Nghệ An và Nam Thanh Hóa. Đồng thời, góp phần điều tiết nước, cắt giảm lũ, phòng chống thiên tai; từng bước giải quyết nhu cầu thiếu nước và khép kín hệ thống công trình thủy lợi.

Vì vậy, Ủy ban KH,CN&MT nhất trí cho rằng, hai Dự án đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương CMĐSDR sang mục đích sử dụng khác tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.

Mặc dù vậy, với dự án hồ chứa nước sông Than, sau khi Quốc hội quyết định cho phép CMĐSDR, đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận bổ sung kinh phí phát sinh trồng rừng thay thế cho Dự án; chỉ đạo thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế và bảo đảm nguồn lực cần thiết để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án.

Dự án Dự án Hồ chứa nước Sông Than có liên quan đến việc khai thác, sử dụng một diện tích lớn tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển KT-XH thuộc thẩm quyền Quốc hội xem xét quyết định chủ trương CMĐSDR nên đề nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện để bảo đảm tiến độ, sớm đưa dự án vào hoạt động; bảo vệ môi trường và hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước.

Còn với Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An hiện đã hoàn thành gần 90% khối lượng công việc giai đoạn 1, các hạng mục công trình chính như: đập, cống, trạm bơm…đã hoàn thành. Do vậy, sau khi được Quốc hội quyết định cho phép CMĐSDR, Uỷ ban KHCN&MT đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công để Dự án sớm đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả KT-XH. Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa trong phạm vi trách nhiệm của mình thực hiện tốt việc GPMB, tái định cư cho các hộ dân khu vực Dự án; CMĐSDR và trồng rừng thay thế.

Tuyết Chinh – Khương Trung