Đồng Hỷ - Thái Nguyên: Vì sao "vàng "tặc" lộng hành?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 18:01, 01/11/2020
Khu vực khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xóm Khe Găng, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. |
Khai thác khoáng sản trái phép kiếm lời bất chính không chỉ gây thất thoát tài nguyên quốc gia mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự địa bàn, ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân địa phương địa phương.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Tài nguyên và Môi trường, bà N.T.T. người dân sinh sống gần khu vực khai thác vàng ở xóm Khe Găng, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ cho biết: Suốt mấy tháng nay, có nhiều cá nhân tự ý khai thác khoáng sản trên địa bàn xã, gây bất ổn cho cuộc sống người dân nơi đây. Họ dùng máy xúc múc đất đá, cát sỏi, ở những thửa ruộng gần suối rồi tuyển rửa để lấy vàng. Nhóm người này dùng vòi nước xịt rửa đất đá, cát sỏi, nước thải cứ thế chảy thẳng ra suối, khiến dòng suối nơi mà người dân nơi đây lấy nước để ăn uống sinh hoạt cả một mầu vàng đục. Hoạt động khai thác khoáng sản trái pháp luật tạo nên sự lộn xộn, tranh chấp. Người dân hoang mang lo lắng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép sẽ dẫn tới xảy ra tiêu cực, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến vùng quê vốn yên ổn, thanh bình.
Nạn khai thác vàng trái phép không chỉ xảy ra ở xom Khe Găng, mà nhiều xóm trên địa bàn xã Cây Thị, như: xóm Khe Cạn, xóm Cây Thị, xóm Trại Cau... cũng đang bị “vàng tặc” xới tung từng thửa đất để tìm khoáng sản, kiếm lời bất chính. Trưa ngày 26/10/2020 trong vai những người nông dân, nhóm phóng viên chúng tôi đã có cơ hội tiếp cận một nhóm người đang khai thác vàng trái phép. Sau màn chào hỏi làm quen, chúng tôi được dịp “mục sở thị” việc khai thác vàng của nhóm người này, chỉ với một chiếc máng bằng gỗ, trong vòng chưa đầy 30 phút, sau khi rửa hết đất đá trong chiếc máng thì rất nhiều những mảnh vàng nhỏ đã lộ ra.
Việc khai thác khoáng sản trái phép đã biến dòng suối từ xóm Khe Cạn, qua xóm Khe Găng, rồi chảy về thị trấn Trại Cau, xã Cây Thị cả một mầu đục ngầu, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. |
Những người đàn ông “phu vàng” này cho biết, do không có điều kiện “đầu tư lớn” nên họ chỉ làm nhỏ lẻ thủ công, nếu muốn khai thác được nhiều vàng phải dùng máy móc hiện đại như ông H. ông T. đang làm trên xóm Khe Găng.
Chào những người đàn ông này, đi dọc từ xóm Khe Cạn, đến xóm Khe Găng, qua xóm Cây Thị, rồi đến Xóm Trại Cau dòng suối này, nước một màu đục ngầu chảy từ đầu xã Cây Thị đến cuối xã.
Theo như lời người dân nơi đây, nạn khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Cây Thị đã diên ra từ nhiều tháng nay, trên địa bàn xã có khoảng 5 đội đang tổ chức khai thác khoáng sản trái phép, nhóm những nhóm người này hoạt động rất tinh vi, thường xuyên hoạt động vào ngày nghỉ và ban đêm để tránh sự kiểm tra xử lý của cơ quan chức năng.
Khoáng sản quý hiếm sau khi đã được tuyển rửa. |
Ngày 27/10/2020, trao đổi với phóng viên báo TN&MT, ông Dương Minh Thư, Chủ tịch UBND xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, cho biết: Vừa qua UBND xã cũng đã kiểm tra lập biên bản đối với một số cá nhân tự ý khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản ở xóm Khe Găng.
Mặc dù địa phương này đã kiểm tra lập biên bản, thế nhưng theo như ghi nhận của phóng viên, nhóm người này vẫn hiên ngang khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Cây Thị, bất chấp quy định của Nhà nước và pháp luật. Việc khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân nơi đây, mà còn làm thất thoát tài nguyên khoáng sản quý hiếm của quốc gia, ngân sách nhà nước bị thất thu, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự địa bàn.
Việc "vàng tặc" hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao nhóm người này có thể ngang nhiên khai thác vàng trái phép trong thời gian dài như vậy?
Thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên cần khẩn trương vào cuộc, xử lý dứt điểm nạn khai thác khoáng sản trái phép tại xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin./.