Tháng 10, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách tăng mạnh

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 22:27, 31/10/2020

(TN&MT) - So với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10 và 10 tháng năm 2020 tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 10/2020 ước tính đạt 52 nghìn tỷ đồng, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa

Đầu tư từ nguồn NSNN tăng 42,2%

Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 10/2020, các Bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực tập trung thực hiện những giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên tình hình mưa bão ở miền Trung trong tháng 10 đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, công trình. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 10 ước tính đạt 10,25% so với kế hoạch năm 2020, tăng không đáng kể so với mức 10,15% của tháng 9.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 10/2020 ước tính đạt 52 nghìn tỷ đồng, tăng 42,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý 10,3 nghìn tỷ đồng, tăng 61,9%; vốn địa phương quản lý 41,7 nghìn tỷ đồng, tăng 38%. Tính chung 10 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 354,6 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8% kế hoạch năm và tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, vốn Trung ương quản lý đạt 62,1 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% kế hoạch năm và tăng 67,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đạt 16.971 tỷ đồng, bằng 71,7% và tăng 79%; Bộ Y tế 4.044 tỷ đồng, bằng 60,6% và tăng 38,6%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3.211 tỷ đồng, bằng 68,9% và tăng 45,4%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 1.833 tỷ đồng, bằng 59,8% và tăng 88,9%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 858 tỷ đồng, bằng 54,2% và tăng 17,4%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 470 tỷ đồng, bằng 64,9% và tăng 0,8%;...

Vốn địa phương quản lý đạt 292,5 nghìn tỷ đồng, bằng 70,3% kế hoạch năm và tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn NSNN cấp tỉnh đạt 197,1 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% và tăng 28,6%; vốn NSNN cấp huyện đạt 80,6 nghìn tỷ đồng, bằng 75% và tăng 30,4%; vốn NSNN cấp xã đạt 14,8 nghìn tỷ đồng, bằng 85,5% và tăng 26,6%.

Vốn thực hiện từ nguồn NSNN 10 tháng năm 2020 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 35.796 tỷ đồng, bằng 78,9% kế hoạch năm và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; TP. HCM đạt 32.159 tỷ đồng, bằng 67,2% và tăng 74,9%; Quảng Ninh 13.252 tỷ đồng, bằng 76,3% và tăng 58,1%; Bình Dương 10.661 tỷ đồng, bằng 71,5% và tăng 20,5%; Hải Phòng 8.828 tỷ đồng, bằng 61,1% và tăng 11,5%; Thanh Hóa 8.247 tỷ đồng, bằng 80,4% và tăng 30,9%.

Đầu tư nước ngoài đạt 23,5 tỷ USD

Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/10/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,5 tỷ USD, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

Biểu đồ minh họa

Trong đó có 2.100 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 11,7 tỷ USD, giảm 32,1% về số dự án và giảm 9,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 907 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,7 tỷ USD, tăng 4,4%; có 5.451 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 6,1 tỷ USD, giảm 43,5%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước tính đạt 15,8 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11,2 tỷ USD, chiếm 71% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 14,5%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt gần 1,1 tỷ USD, chiếm 6,9%.

Trong 10 tháng năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5,1 tỷ USD, chiếm 43,9% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 4,8 tỷ USD, chiếm 41,2%; các ngành còn lại đạt 1,8 tỷ USD, chiếm 14,9%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,2 tỷ USD, chiếm 52,8% tổng số vốn; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 4,7 tỷ USD , chiếm 26,9%; các ngành còn lại đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 20,3%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 10 tháng, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 5,4 tỷ USD, chiếm 46,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1,3 tỷ USD, chiếm 11,5%; Hàn Quốc 1,1 tỷ USD, chiếm 9,4%; Đài Loan (TQ) 934,8 triệu USD, chiếm 8%; Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 909,4 triệu USD, chiếm 7,8%; Nhật Bản 471,9 triệu USD, chiếm 4%.

Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm 2020 có 107 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 314,5 triệu USD; có 28 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 163,8 triệu USD.

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 10 tháng đạt 478,3 triệu USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 228,1 triệu USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 68,2 triệu USD, chiếm 14,3%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 62,6 triệu USD, chiếm 13,1%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 51,1 triệu USD, chiếm 10,7%.

Trong 10 tháng có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Úc là nước dẫn đầu với 101,8 triệu USD, chiếm 21,3%; Đức 92,6 triệu USD, chiếm 19,4%; Lào 88,7 triệu USD, chiếm 18,6%; Hoa Kỳ 69,6 triệu USD, chiếm 14,6%.

Lưu Nguyên Sơn