Nghệ An: Có 2 người mất tích vì mưa lũ, Tỉnh ủy ra Công điện khẩn
Xã hội - Ngày đăng : 15:58, 30/10/2020
Nước lũ gây cô lập khắp nơi, 2 mất tích
Trước tình hình ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều xã thuộc huyện Thanh Chương, ngày 30/10, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra tình hình ngập lụt tại huyện này.
Theo báo cáo của huyện Thanh Chương, từ trưa 29/10, trên địa bàn huyện Thanh Chương liên tục có mưa lớn khiến nhiều xã trong huyện bị ngập sâu. Trong đêm, huyện Thanh Chương đã di dời hơn 800 hộ dân bị ngập ở các xã Thanh Mỹ, Thanh Khê, Võ Liệt, Thanh Nho... đến nơi an toàn.
Cũng theo báo cáo của UBND huyện Thanh Chương, mưa lũ đã khiến 2 người mất tích và 2 người bị thương. 2 người mất tích ở xã Thanh An, trên đường đi xe máy về nhà bị lũ cuốn, đến nay vẫn chưa tìm thấy. còn 2 người bị thương hiện sức khỏe đã ổn định.
Một gia đình đang di chuyển tài sản chống ngập tại huyện Đô Lương |
Những ngày qua trên địa bàn huyện Nghi Lộc cũng có mưa to đến rất to, cộng với lũ ở thượng nguồn đổ về đã làm một số khu vực, tuyến đường bị ngập và chia cắt.
Cụ thể, tuyến Quốc Lộ 48 E đoạn cầu Phương Tích từ Nghi Hoa đi Nghi Phương, Nghi Công Bắc đi Nghi Mỹ, đoạn từ Nghi Lâm sang Nghi Kiều; từ Nghi Đồng đi Nghi Hưng và một số tuyến đường liên xã đã bị chia cắt hoàn toàn. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn lập chốt chặn phân công lực lượng túc trực 24/24, không cho các phương tiện qua lại.
Cầu tràn xã Nghi Mỹ (huyện Nghi Lộc) bị ngập không thể đi lại |
Tại xóm 2,3,4, xã Nghi Mỹ có khoảng trên 300 hộ bị cô lập, nhất là xóm 4 Mỹ Hòa nước ngập sâu, có nơi trên 1m, nước vào nhà làm hư hỏng lúa gạo và tài sản của bà con nhân dân. Huyện đã tập trung đưa xuồng máy để ứng cứu người dân ở các khu vực này. Hiện lực lượng cứu hộ đã đưa được trên 50 người gồm người già và trẻ nhỏ đến nơi an toàn.
Còn tại huyện Hưng Nguyên, nước sông Lam vùng hạ lưu đã dâng cao do nước từ thượng nguồn đổ về và các hồ thủy lợi, thủy điện xả tràn. Tính đến chiều ngày 30/10, 7 xã vùng dọc sông Lam và vùng trũng Hưng Nguyên nước đã ngập vào khu dân cư, cầu qua đê và nhiều tuyến đường bị ngập, trong đó trên 1.940 hộ dân nước đã vào nhà. Các tuyến đê kênh thấp nhiều đoạn sắp bị tràn.
Cầu tràn 27, xã Xuân Lam (huyện Hưng Nguyên) bị chia cắt hoàn toàn |
Về thiệt hại đã có hàng nghìn con gia cầm bị chết. Hơn 800 ha diện tích rau màu vụ đông và cá chuyên canh, cá vụ 3 bị ngập sâu trong nước.
Tại huyện Yên Thành, mưa lớn nên nước lũ dâng cao, khiến hơn 2.700 nhà dân bị ngập sâu; 56 xóm của 23 xã trong huyện bị cô lập, chia cắt. Trong đó 12 xóm ở các xã Khánh Thành, Trung Thành, Bảo thành, Công Thành, Viên Thành bị nước lũ chia cắt cô lập hoàn toàn.
Nhiều tuyến đường trên QL 7A bị ngập sâu không ai dám đi lại |
Đoạn kênh đê chính thuộc địa phận Thị trấn và xã Lý Thành bị sạt lở; 396 ha cây vụ đông và 116 ha bị ngập; 105 con lợn và hơn 2000 con gia cầm, thủy cầm ở các gia trại bị chết và cuốn trôi. Bờ kè đập Cây Tráu (Sơn Thành) bị sập 20 m; Đập Bói xã Đồng Thành; Đập Bàn Vàng 2 (xã Tiến Thành) bị sạt lỡ. Các tuyến đường QL 7A, 7B, 48E nhiều đoạn bị ngập, chia cắt cục bộ.
Lực lượng bộ đội giải cứu người dân phường Bến Thủy ra khỏi nước lũ |
Tại TP Vinh, sáng sớm 30/10, trên địa bàn khối 13 và 15, phường Bến Thủy mưa lớn gây ngập lụt nặng, rất nhiều nhà dân ngập sâu hơn 2m. Trước tình hình đó, ngay từ sáng sớm gần 100 cán bộ, chiến sỹ cùng các phương tiện của Lữ đoàn 873 (Cục Hậu cần Quân khu 4) đã nhanh chóng cơ động bằng xuồng máy, luồn lách vào các ngõ hẻm, tiếp cận các hộ gia đình có người đang bị mắc kẹt để đưa gần 100 người dân đến vị trí an toàn. Ngoài ra, trưa ngày 30/10, lực lượng cứu hộ cũng đã giải cứu được 7 hộ dân với 35 nhân khẩu tại Khối 1, phường Hồng Sơn đến nơi an toàn.
Tiếp tục di dời dân những nơi có nguy cơ sạt lở
Cũng giống như các địa phương khác, tối ngày 29, rạng sáng ngày 30/10, trên địa bàn huyện Tương Dương đã có mưa to và rất to. Vì thế nhiều nơi kết cấu đất bị ngấm no nước, xuất hiện nhiều điểm sạt lở núi, rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người dân.
Trước tình hình đó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn huyện Tương Dương đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc hỗ trợ, di dời khẩn cấp các hộ dân đến nơi an toàn.
Nhiều địa phương tại miền núi phải di dời người dân trước nguy cơ sạt lở |
Tại bản Tân Hương và Tùng Hương của xã biên giới Tam Quang là điểm có nguy cơ sạt lở cao. Trước tình hình đó, chiều ngay 29 đến sáng 30/10 xã Tam Quang đã phối với Đồn Biên phòng Tam Quang tuyên truyền, vận động và hỗ trợ di dời khẩn cấp 39 hộ dân với hơn 153 nhân khẩu ra khỏi vùng có nguy cơ cao đến nơi an toàn (trong đó bản Tùng Hương 33 hộ và bản Tân Hương 6 hộ). Xã Tam Quang và Đồn Biên phòng đã kịp thời hỗ trợ một số nhu yếu phẩm thiết yếu giúp các hộ giải quyết khó khăn trước mắt.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn huyện Tương Dương cũng tăng cường chỉ đạo sát sao việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết. Tổ chức phân công các thành viên túc trực 24/24h. Tiếp tục kiểm tra, di dời các hộ có nguy cơ cao sạt lở và khuyến cáo người dân cảnh giác, chủ động ứng phó mọi tình huống xảy ra trong mưa bão.
Một cầu tràn trên QL 48D bị ngập sâu đến gần 2m |
Chiều ngày 30/10, ông Hoàng Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết: Mưa lụt trong những ngày qua, đặc biệt từ chiều 29 đến sáng 30/10, đã khiến xã Cao Sơn bị cô lập hoàn toàn; nhiều xã ngập cục bộ như: Phúc Sơn, Khai Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn, Thọ Sơn… Ngoài ra, nhiều diện tích hoa màu bị ngập sâu trong nước. Đất sạt lở tràn vào nhà của một hộ dân ở Hội Sơn.
Đặc biệt, có 46 hộ dân nằm trong diện nguy cơ sạt lở đất cao thuộc các xã: Vĩnh Sơn, Hội Sơn, Đỉnh Sơn; bản Vều 1, 2, 3 của Phúc Sơn. Huyện Anh Sơn đã chỉ đạo các địa phương di dời người đến nơi ở an toàn trước khi xảy ra sạt lở đất.
Những địa điểm có nguy cơ sạt lở cao ở miền núi đang được theo dõi chặt chẽ |
Cũng liên quan đến công tác ứng phó với lũ lụt, ngày 30/10/2020, Tỉnh ủy Nghệ An có Công điện khẩn số 02-CĐ/TU về việc ứng phó với thiên tai đang diễn ra trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9.
Theo Công điện này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với mưa lớn và lũ lụt trên địa bàn tỉnh thương phương châm 4 tại chỗ. Trước mắt tập trung ứng cứu nhân dân nơi đang bị ngập và bị cô lập, chia cắt; tổ chức di dời, sơ tán dân nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Triển khai biện pháp cảnh báo ở các điểm giao thông bị ngập lũ, bố trí lực lượng ứng trực, kiên quyết không để người và các phương tiện lưu thông qua địa điểm nguy hiểm.
Chỉ đạo cơ quan truyền thông, cán bộ, đảng viên, nhân dân sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để truyền tải kịp thời, chính xác về tình hình thiên tại, ngập lũ, những nơi đang gặp nguy hiểm và biện pháp ứng cứu. Triển khai các phuơng án, lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm đời sống nhân dân sau lũ lụt.
Cho đến gần 16h chiều ngày 30/10 mưa vẫn chưa ngớt nên dự báo tình trạng lũ lụt trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp |
UBND tỉnh chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện liên hệ, phối hợp với Quân khu 4 sẵn sàng ứng cứu kịp thời những nơi có tình huống cần hỗ trợ.