Tập huấn tuyên truyền nội dung Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thời sự - Ngày đăng : 15:01, 30/10/2020

(TN&MT) - Sáng 30/10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị tập huấn phóng viên báo chí tuyên truyền nội dung Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thông tin về các nội dung cốt lõi của dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, PGS.TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, phương châm của Đại hội XIII là:"Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển". 

Dự thảo báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII gồm 15 mục với 15 vấn đề lớn. Cấu trúc này giúp trình bày một cách logic, thể hiện các tính kế thừa giữa các phần với nhau; đây là những vấn đề lớn, có tính trọng tâm và bao quát. Báo cáo Chính trị đánh giá được kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, diện mạo đất nước… Đặc biệt phần tổng kết đánh giá này, đánh giá một cách khách quan, có tầm bao quát của đất nước, trước hết là tình hình đất nước sau 5 năm qua và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới.

PGS.TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại hội nghị

PGS.TS Phạm Văn Linh khẳng định, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

 

 

Quang cảnh hội nghị

Theo PGS.TS Phạm Văn Linh, một trong những bài học sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII đó là quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới.

Bên cạnh đó, chú trọng đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, tự chuyển hoá trong nội bộ, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí… Xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, đảm bảo hài hoà giữa kế thừa và đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và chính trị, văn hoá, xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường...

Mai Đan