Gia Lai, Kon Tum: Khẩn trương khắc phục thiệt hại sau bão số 9
Môi trường - Ngày đăng : 15:00, 30/10/2020
Nước chảy siết, cuốn theo đuôi nhà của người dân Kon Tum |
Nằm trong vùng trực tiếp bị ảnh hưởng bão số 9, cả 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đều có bị thiệt hại về người, tài sản, hoa màu. Tại Gia Lai có 2 người thương vong (01 người chết và 01 người bị thương); 425 nhà bị hư hỏng, tốc mái, ngập sâu; 08 điểm trường bị tốc mái, 03 nhà Rông tốc mái; 975 ha cây trồng bị ngã đổ; thiệt hại 06 lồng bè nuôi cá; đổ gãy 20 trụ điện; 2,5 km đường viễn thông…
Thống kê tại Kon Tum, toàn tỉnh có 37 nhà dân bị tốc mái; chính quyền các huyện đã di dời tổng cộng 920 hộ với hàng nghìn người dân tại các vùng bị ngập sâu và có nguy cơ sạt lở; 92 ha cây trồng các loại bị ngã đổ; 421 ha cây trồng bị ngập trong nước; nhiều công trình trường học, y tế bị hư hỏng; nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, sạt lở gây chia cắt giao thông…
Di dời người dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn |
Sau bão, UBND 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã có văn đề nghị các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cùng phối hợp để tiếp tục phòng, tránh và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Trong đó, ngoài việc hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng nặng, UBND tỉnh Gia Lai và Kon Tum yêu cầu chủ các hộ, đập thủy lợi, thủy điện vận hành đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Ngoài ra, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Điện lực Gia Lai khẩn trương khắc phục sự cố về điện trong bão số 9; các lực lượng vũ trang tập trung sửa chữa trường học, trung tâm y tế, hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng, tốc mái, dọn vệ sinh môi trường góp phần sớm ổn định đời sống cho người dân.
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức cứu trợ cho người dân bị mất nhà cửa, hộ ở vùng ngập sâu chia cắt dài ngày; tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ứng phó với thiên tai; tăng cường công tác cảnh báo, giám sát thiên tai; hướng dẫn người dân dọn dẹp nhà cửa, tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ.