Quảng Ninh: Siết chặt quản lý, phân loại xử lý chất thải rắn tại nguồn

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 10:50, 30/10/2020

(TN&MT) - Những năm gần đây, Quảng Ninh tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý chất thải, phân loại rác thải tại nguồn, thiết lập các tuyến thu gom rác thải sinh hoạt và xây dựng các điểm trung chuyển rác, góp phần nâng cao chất lượng môi trường, điều kiện sống của người dân trên địa bàn.

Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Ninh đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, Quảng Ninh tập trung xây dựng 5 khu xử lý chất thải rắn liên vùng, liên huyện, trong đó, đã có 4 khu xử lý CTR đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả như: Khu xử lý CTR Khe Giang, xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí; Trung tâm xử lý CTR tại xã Vũ Oai, xã Hòa Bình, TP.Hạ Long; Khu xử lý CTR km 26, xã Quảng Nghĩa, TP.Móng Cái; Khu xử lý CTR Trường Xuân, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô. Còn lại Khu xử lý CTR cho các xã đảo Thanh Lân, Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, thuộc huyện Vân Đồn đang được đầu tư xây dựng.

Người dân tại xã vùng cao Hà Lâu, huyện Tiên Yên thu gom, đốt rác thải sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh môi trường

Theo ông Nguyễn Như Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Quảng Ninh cho biết, đến nay, các khu xử lý và bãi chôn lấp CTR trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện đúng theo quy hoạch quản lý CTR đã được UBND tỉnh phê duyệt, các khu xử lý, bãi chôn lấp CTR mới đều được đầu tư xây dựng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định, đảm bảo môi trường.

Song song với đó, đối với các bãi chôn lấp CTR đã chứa đầy và các bãi chôn lấp CTR không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường đã được UBND tỉnh chỉ đạo đóng cửa và thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh việc đa dạng, hiện đại hóa phương thức xử lý theo định hướng giảm dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp chôn lấp, tăng dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp đốt, tiến tới thu hồi năng lượng.

Đến nay, 70% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh, tương đương 787 tấn/ngày được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; 26% tổng lượng CTRSH, tương đương 295 tấn/ngày được xử lý bằng công nghệ đốt, còn lại 2 - 4% tổng lượng CTRSH, tương đương 22 tấn/ngày được xử lý bằng phương pháp tái chế thu hồi nhựa, chế biến thành phân bón. Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý CTR đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nâng lên 94,5%.

Lực lượng biên phòng và đoàn viên thanh niên huyện Hải Hà thu gom rác thải tại xã đảo Cái Chiên.

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thí điểm dự án nâng cao nhận thức về quản lý CTR tại phường Thanh Sơn, TP.Uông Bí, xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ và thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến tại huyện Cô Tô. Đến nay, mô hình này ngày càng phát huy hiệu quả và đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đồng thời, nhiều địa phương đã tổ chức thí điểm quản lý CTR theo hướng phân loại rác thải tại nguồn, phân loại trong quá trình thu gom, xử lý, thực hiện tái chế, tái sử dụng CTR.

Ông Lý Văn Diểng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Yên cho biết, sau một thời gian triển khai Đề án thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và mô hình thay đổi thói quen như “Dùng làn đi chợ”, hạn chế sử dụng túi nilon ngay tại các thôn, khu, tổ dân cư, cũng như thành lập các tổ thu gom rác từ các gia đình đến điểm tập trung rác thải của xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đã từng bước phát huy hiệu quả thiết thực, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về việc phân loại CTR tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường sống của người dân và cộng đồng.

Xe quét và hút bụi trên các tuyến đường tại TP.Uông Bí, góp phần xây dựng thành phố xanh- sạch- đẹp.

Có thể nói, trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh vào cuộc một cách quyết liệt, hiệu quả. Nhờ vậy, nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đã được nâng lên rõ rệt, mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực được kiểm soát, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng môi trường, điều kiện sống của người dân trên địa bàn.

Phạm Hoạch