Việt Nam đẩy mạnh phát triển thị trường các-bon
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:50, 29/10/2020
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết: Việt Nam là một thành viên tích cực của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) từ năm 1994. Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) thuộc UNFCCC thông qua năm 2015 đã khẳng định vai trò, trách nhiệm pháp lý của gần 200 quốc gia trong ứng phó với BĐKH toàn cầu, đặc biệt là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua Đóng góp do quốc gia tự nguyện quyết định (NDC). NDC của Việt Nam đã xác định giảm 9% so với kịch bản phát thải thông thường tới năm 2030 bằng nguồn lực trong nước và tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế. Dự kiến nguồn lực để đạt được các mục tiêu trên sẽ tới hàng chục tỉ USD trong thập kỷ tới và sẽ không đạt được nếu không có sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, một trong những phương thức để huy động nguồn lực xã hội một cách minh bạch và linh hoạt là định giá các-bon, bao gồm thuế các-bon, cơ chế tạo tín chỉ và hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon. Hiện nay, trên thế giới, cộng đồng doanh nghiệp đã tích cực tham gia áp dụng các công cụ định giá các-bon trên cơ sở điều tiết của Chính phủ các quốc gia. 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá các-bon với sự tham gia của hàng chục ngàn doanh nghiệp lớn, nguồn thu riêng năm 2019 lên tới 45 tỷ USD và đặc biệt đã quản lý được trên 12 tỷ tấn CO2, tương đương 22,3% tổng phát toàn cầu.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm |
Từ năm 2012, Việt Nam đã tham gia Chương trình “Sẵn sàng tham gia thị trường các-bon” (PMR). Từ năm 2015, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam triển khai Dự án "Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam" (VNPMR). Qua 5 năm chuẩn bị và thực hiện, đến nay Dự án đã đạt được mốt số kết quả nhất định, đặt nền tảng để Việt Nam hình thành và phát triển thị trường các-bon trong nước, tiến tới tham gia thị trường các-bon thế giới.
Trong đó, Dự án đã có đóng góp, đề xuất xây dựng một Điều riêng về “Tổ chức và phát triển thị trường các-bon” trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, dự kiến thông qua trong kỳ họp thứ 10 Quốc Hội khóa XIV. Tại dự thảo Luật và các văn bản dưới Luật, các quy định về mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng sẽ được ban hành, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Dự án bước đầu đã nghiên cứu thí điểm tại ngành sản xuất thép và quản lý chất thải rắn cho thấy cần có đầu tư thích đáng vào hệ thống thu thập, quản lý dữ liệu về kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải nhằm chuẩn bị sẵn sàng tham gia thị trường các-bon trong nước hoặc quốc tế. Huy động nguồn vốn đầu tư cho tham gia thị trường các-bon cần được thực hiện trên cơ sở nội lực của doanh nghiệp đồng hành với chính sách hõ trợ của Chính phủ và thực hiện theo một lộ trình cụ thể. “Vì vậy, không thể thiếu sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng và vận hành thị trường cac-bon”, ông Nguyễn Tuấn Quang nhấn mạnh.
Giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia sáng kiến “Đối tác thực hiện Thị trường các-bon” (PMI) do Ngân hàng Thế giới khởi xướng để hình thành và phát triển thị trường các-bon trong tương lai. Đây là giai đoạn tiếp nối của PMR để triển khai các công cụ thị trường tại các nước tham gia Chương Trình. Trọng tâm là thực hiện cụ thể các hoạt động định giá các-bon, góp phần xây dựng các chính sách, công cụ quản lý tín chỉ các-bon, công cụ định giá các-bon ở Việt Nam trong thập ký tới.
Tại Hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày nội dung “Tiềm năng áp dụng công cụ thị trường tại Việt Nam, vai trò của khối tư nhân đối với việc áp dụng công cụ định giá các-bon tại Việt Nam”; đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cũng đã trình bày nội dung “Định hướng công cụ tài chính đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở Việt Nam”; đại diện Bộ Công thương, Bộ Xây dựng đã trình bày nội dung tiềm năng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất thép, lĩnh vực chất thải rắn và khả năng áp dụng công cụ định giá các-bon ở Việt Nam…
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến đối với việc triển khai Dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam”; nhằm hướng tới một tiếng nói chung giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng và vận hành thị trường các-bon một cách hiệu quả với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Ngày 30/10, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) và Ngân hàng Thế giới cũng sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức Tập huấn “Đánh giá tiềm năng áp dụng các công cụ dựa trên thị trường và xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định” về thị trường các-bon tại Việt Nam.