Thêm nhiều thực phẩm bảo vệ sức khoẻ quảng cáo sai sự thật

Sức khỏe - Ngày đăng : 15:28, 29/10/2020

(TN&MT) - Trong khoảng 10 ngày cuối tháng 10, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tiếp công bố hàng loạt trang thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe lừa dối người tiêu dùng, không đúng sự thật.

Trong khoảng 10 ngày cuối tháng 10/2020, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã liên tiếp công bố hàng loạt trang thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quảng cáo và khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi sử dụng.

Theo Cục An toàn thực phẩm, thời gian vừa qua một số các website quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên khớp Khang Bình; thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên khớp Đại Việt; thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trường Xuân Vương; thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên Dưỡng khớp X3; thực phẩm Bảo vệ sức khỏe Đào Hồng An Plus; thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tengsu; thực phẩm bảo vệ sức khỏe Rheumatin; thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên giảm cân thảo mộc Change body và Viên uống tăng cân Fast Weight; các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Sức xuân Lady Beauty, Cà Gai Leo mật nhân, Kinhphar Super Kids, Mát gan giải độc, Ka-Man Kingphar, Siro Nhuận phế Hoàng Kingphar, Thanh Tâm Hoàng.

Một sản phẩm bị Cục An toàn thực phẩm "tuýt còi" đợt này

Những sản phẩm này đã quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo sử dụng hình ảnh bác sỹ, lời cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Cục An toàn thực phẩm cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Phạm Thiệu