Kỳ vọng đổi thay pháp lý bảo vệ môi trường

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:17, 29/10/2020

(TN&MT) - Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế; thống nhất, đồng bộ với pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý đồng bộ về bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Đại biểu Trần Văn Lâm - Bắc Giang:

Đây là lần sửa luật rất căn bản, toàn diện

Ở nước ta hiện nay, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên năm 2012 và Dự thảo Luật này đã có những đề cập quy định về bảo vệ nguồn nước dưới đất, nhưng các quy định mới chỉ ở phạm vi hẹp, bảo vệ chất lượng nguồn nước ngầm chỉ có khả năng làm hạn chế ô nhiễm, chứ chưa thật sự đề cập một cách đầy đủ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để hướng tới quản lý, sử dụng, nâng cao chất lượng, số lượng và khai thác bền vững, lâu dài nguồn tài nguyên quý giá này.

Trên thực tế, việc khai thác quá mức, tùy tiện nguồn nước ngầm đang diễn ra ở nhiều nơi làm cho tầng nước ngầm ngày càng sụt giảm. Đáng lo ngại là các loại chất thải từ các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, các bãi chôn lấp, nước thải của các khu dân cư tập trung, nước các dòng sông, dòng kênh bị ô nhiễm, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp ngấm vào đất, nước và tầng nước ngầm dẫn đến ô nhiễm nặng ở tầng nước gần bề mặt. Một số giải pháp công trình hiện nay để giữ nguồn nước mặt chỉ mang tính chất tình thế và nhiều khi lại làm trầm trọng thêm các vấn đề.

Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại, xác định đúng vai trò, tầm quan trọng, những thách thức đang đặt ra đối với nguồn tài nguyên nước ngầm vô cùng quý giá của quốc gia, để có sự quan tâm, đầu tư đúng mức hơn đối với việc bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên này. Sửa đổi Luật Môi trường lần này là cơ hội để chúng ta làm điều đó.

 

Đại biểu Dương Tấn Quân - Bà Rịa - Vũng Tàu:

Đề nghị chỉ dùng một loại Giấy phép môi trường

Tôi thống nhất với một số phát biểu của các đại biểu trước, đề nghị chỉ dùng một loại Giấy phép môi trường, trong đó, bao gồm cả nội dung Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 7 loại giấy phép thủ tục hành chính cấp phép về môi trường.

Đây là quan điểm đổi mới, sáng tạo, thể hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo vì người dân, doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. Quy định này sẽ khắc phục được những bất cập, chồng chéo, giảm phiền hà cho doanh nghiệp.

Qua nghiên cứu, việc tích hợp Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi vào Giấy phép môi trường không dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý công trình thủy lợi trong việc quản lý chất lượng số lượng nước công trình. Không ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách thu giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, bởi vì quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi hiện hành cho thấy, ngành thủy lợi đang không kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nước thải vào công trình thủy lợi, mà chỉ kiểm soát số lượng nguồn nước thải.

Cơ quan quản lý công trình thủy lợi hoàn toàn không có công cụ ngăn chặn, xử lý các hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn Việt Nam vào công trình thủy lợi, nếu không phối hợp với cơ quan quản lý bảo vệ môi trường.

Tôi cho rằng, các tổ chức này mặc dù được giao nhiệm vụ nhưng rất khó thực thi và hoàn thành, hầu hết các tổ chức này là doanh nghiệp thủy lợi, tổ chức thủy lợi, cơ sở hoặc cá nhân không được giao thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, không có số liệu quan trắc tự động của doanh nghiệp, nên cũng không có công cụ kiểm soát hoạt động xả thải, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi.

 

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - TP. Hà Nội:

Lần đầu tiên có một Dự án Luật với nhiều nội dung tiến bộ, hội nhập quốc tế

Là người có nhiều năm tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Dự án Luật về bảo vệ môi trường trong gần 20 năm qua, tôi nhận thấy, đây là lần đầu tiên có một Dự án Luật với nhiều nội dung tiến bộ, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khắc phục những bất cập trong thực tiễn nhiều năm qua, góp phần đổi mới, tạo nên một cuộc cách mạng trong lối sống, sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, hướng đến sống xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Tuy vậy, còn một số vấn đề lớn phân biệt các phương án khác nhau của cử tri về phân loại dự án, về thẩm quyền thẩm định báo cáo, về Giấy phép môi trường, về vấn đề Kiểm toán môi trường…

Thực tiễn môi trường hiện nay đang là vấn đề rất bức xúc, tất cả tổ chức, cá nhân và người dân rất mong muốn có một Dự thảo Luật mới để có tính khả thi, thực tiễn, đáp ứng cho công tác cải thiện hơn về môi trường. Cho nên, tôi đề nghị trong Dự thảo Luật lần này, nếu còn những vấn đề gì còn chưa thống nhất thì chúng tôi đề nghị có thể bỏ ra. Nhưng chúng ta nên thông qua trong kỳ họp này để đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai ở cơ sở. Những vấn đề nào đó thực sự chúng ta chưa cân nhắc được thì chúng ta có thể để lại, một vài năm sau, nhiệm kỳ sau cần thiết lại sửa đổi một vài điểm đó.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình:

Đồng tình quy định mục đích cho ngân sách BVMT

Để tăng hiệu quả giá trị pháp lý của luật với thực tiễn cuộc sống, tôi xin góp ý một số vấn đề: Một là, các điều khoản quan trọng trong sửa đổi luật cần xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường.

Hai là, cần phải bổ sung và tuân thủ tích hợp thủ tục hành chính về Giấy phép môi trường.

Ba là, tôi đồng tình với đề nghị của Luật quy định mục đích chi ngân sách cho bảo vệ môi trường ở Điều 151 quy định.

Bốn là, tại Điều 154 về Quỹ Bảo vệ môi trường, tôi đồng tình với việc bổ sung và cụ thể hóa quy định: "Huy động nguồn nhân lực quản lý môi trường trong khu vực kinh doanh và chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường. Việc bổ sung quy định nguồn lực nhằm khơi thông cơ chế tài chính cho bảo vệ môi trường".

Lý do tình trạng ô nhiễm môi trường thường xuyên diễn ra phức tạp, khó lường, chi phí để kiểm tra, xử lý, khắc phục, ngăn chặn lớn lại không có nguồn thu, vì thế cần phải có đầu tư.

 

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương - Ninh Thuận:

Nên chọn Phương án 2 trong Dự thảo Luật

Về đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường nếu chúng ta chọn phương án 1 thì sẽ chưa có sự công bằng đối với các dự án đầu tư công và dự án đầu tư có vốn của tư nhân. Bỏ lọt rất nhiều những dự án có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp nhận chủ trương đầu tư, thuộc dự án mà Nhà nước giao đất, cho thuê đất thu thông qua đấu giá và đấu thầu hoặc chuyển nhượng nhưng có tác động rất lớn đến môi trường khi triển khai. Các dự án này nếu không được đánh giá tác động về môi trường ở giai đoạn này cũng như khi thực hiện việc đánh giá tác động môi trường đã được thông qua thì sẽ lãng phí về tài chính và thời gian của các nhà đầu tư…

Tôi đồng tình với rất nhiều ý kiến của các đại biểu khác là chọn phương án 2 trong Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, xuất phát từ yêu cầu phải có luật này điều chỉnh trong thực tiễn, tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý và trình Quốc hội thông qua Dự án trong kỳ họp này.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đồng Tháp:

Dự thảo Luật đã bỏ một số quy định chồng chéo

 So với rất nhiều những Dự án Luật thì Dự án Luật này có phạm vi điều chỉnh rất rộng, bao quát hầu hết các yếu tố, các vấn đề liên quan tới môi trường và cho thấy sự trăn trở của cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra.

Dự thảo Luật đã bỏ một số quy định chồng chéo, không thống nhất với các văn bản luật có liên quan, chẳng hạn như Luật Xử lý vi phạm hành chính mà chúng ta đang sửa đổi, Luật Quy hoạch, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… Về Giấy phép môi trường, tôi đồng tình với Phương án 1, tức là chỉ dùng một loại Giấy phép môi trường thay cho 7 loại, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Nếu chúng ta thực hiện theo phương án này thì sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính qua hình thức tích hợp giấy phép và rút ngắn thời gian, thủ tục cấp giấy phép, giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp. Đây là một xu hướng tất yếu trong lộ trình cải cách hành chính mà Chính phủ đang triển khai thực hiện một cách quyết liệt… Với tinh thần cẩn trọng và trách nhiệm, tôi đề nghị Quốc hội sẽ thông qua Dự án Luật này theo quy trình 2 kỳ họp.

 

 

Khương Trung - Hoàng Ngân (lược ghi)