Chồng chất đau thương

Xã hội - Ngày đăng : 10:16, 29/10/2020

(TN&MT) - Trong vòng hơn nửa tháng, 3 cơn bão ập vào miền Trung. Mưa bão, lũ. Tất cả cứ dồn dập dội xuống khiến vết thương hôm trước còn chưa khô, nay đã lại bùng phát thêm.

Con số thiệt hại về người do thiên tai cứ ngày một dày thêm. Tiếp nối những đau thương ở Bắc Trung Bộ, những cơn sóng dữ do bão số 9 gây ra đã khiến 26 ngư dân mất tích trên biển.

Thiệt hại đến nay là chưa kể hết. Sau bão số 9 sẽ còn những đợt mưa liên tiếp. Suốt một dải miền Trung – Tây Nguyên, hàng loạt nguy cơ thiệt hại lại hiển hiện.

Mới hôm trước, sáng ngày 26/10, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đến Trung tâm Điều hành tác nghiệp Khí tượng thuỷ văn, Tổng cục Khí tượng thủy văn nghe báo cáo về tình hình dự báo cơn bão Molave (bão số 9). Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh hai vấn đề quan trọng là: cần khẩn trương sơ tán người dân khỏi những vùng nguy cơ cao sạt lở và những vùng ven sông, ven biển nơi bão đi qua. Đặc biệt chú trọng công tác di dời khỏi vùng sạt lở, bởi đây là kinh nghiệm xương máu.

Ảnh minh họa

Trước mỗi mùa bão lũ, Chính phủ đều thúc giục các địa phương khẩn trương chuẩn bị nguồn lực phòng chống. Nhưng thiên tai tàn khốc chẳng thể lường hết. Nước dâng. Nhà ngập – sập. Người trôi. Của cải mất hết.

Đã qua bao mùa bão lũ như thế, song còn đó đau đáu bao câu hỏi về các giải pháp giúp người dân sống chung với bão lũ, giúp giảm nhẹ thiệt hại cho người dân. Khôi phục những khoảng rừng đã mất, tạo ra những hồ chứa nước để trung hòa lũ dữ, hay những biện pháp nào khác nữa… đó là những điều phải nghiên cứu để có thể phát triển bền vững(?)!

Đi tìm nguyên nhân của tình trạng gia tăng tần suất các đợt lũ quét, một trong những nguyên nhân là do tình trạng phá rừng tràn lan, là tình trạng “cạo trắng” rừng để lấy đất canh tác, làm thủy điện.

50 năm qua, thế giới đã có những bước phát triển nhảy vọt trên nhiều phương diện. Song mặt trái của sự phát triển thái quá cũng đang đặt con người vào tình trạng bất ổn. Thiên tai dịch họa ngày càng khốc liệt, dữ dằn hơn. Hơn 1 tỷ người trên thế giới không tới được nguồn nước. Hàng chục triệu trẻ em khắp năm châu đang trong tình trạng suy sinh dưỡng, đói khát… đó là những con số khi nhắc tới khiến nhiều người phải giật mình.

Lòng ham muốn và nhu cầu hưởng thụ thái quá đang đẩy cuộc sống của chính chúng ta đến gần hơn với những đe dọa, bất ổn. Môi trường đang bị hủy hoại. Trái đất đang nóng lên.

Quả thật, chưa năm nào như năm nay, mưa lũ cứ tới tấp giáng xuống các tỉnh miền Trung. Vùng đất vốn đã chịu nhiều gian khó nay lại càng khó khăn hơn. Cầu sập, đường ngập, nhà cửa tan hoang… Bao cực nhọc cứ chồng chất.

Thời điểm này, gian khó muôn bề đang dồn lên những đồng bào chịu bão lũ. Cơn mưa trước chưa ráo, đợt mưa sau đã ào tới. Rồi nước dâng. Núi lở. Lũ liên tiếp về… Tất tật đang cứ khoét sâu vào sức lực vốn đang kiệt quệ của người dân vùng bão lũ.

Hơn lúc nào hết, người dân vùng bão lũ đang rất cần sự sẻ chia của đồng bào cả nước.

Nhưng, trớ trêu thay, mưa lũ vẫn tràn về. Bản tin dự báo lại ghi thêm những cảnh báo thời tiết xấu chưa ngưng.

Khi tôi viết những dòng này, hoàn lưu sau bão đang khiến những dòng sông miền Trung ngầu đỏ, nước dâng cao. Mưa vẫn trắng trời. Đồng nghiệp của chúng tôi vẫn túc trực cho các bản tin sớm nhất. Ngoài biển đông kia, những bất trắc vẫn trực chờ tiếp nối.

Miền Trung - những ngày này, vẫn mưa dày, các dòng sông cuộn đỏ, dâng cao, sậm bùn đất. Nguy cơ trượt lở và thảm họa ở mức báo động đỏ.

Còn nơi vùng bão lũ đi qua, ánh mắt hãi hùng trước cảnh tan hoang của bao đồng bào vẫn như một ám ảnh!

Núi rừng như đanh lại trước nỗi đau khôn cùng.

Biển vẫn dồn sóng dữ.

Ngọc Lý