Sơn La công bố Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 18:25, 28/10/2020

(TN&MT) - Ngày 28/10, Sở TN&MT tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị Công bố danh mục và bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; bàn giao tài liệu cho các sở, ban ngành, UBND cấp huyện để phục vụ công tác quản lý nhà nước với việc khai thác nước dưới đất.

Đại diện đơn vị tư vấn hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện cách sử dụng Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất

Thực hiện quy định tại Khoản 3 Điều 35, Khoản 1 Điều 71 Luật Tài nguyên nước năm 2012 và Nghị định 167/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Sở TN&MT được UBND tỉnh giao nhiệm vụ triển khai Dự án: Điều tra, đánh giá khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Phạm vi thực hiện Dự án là khu vực đất ở và khu đất chuyên dùng trên địa bàn toàn tỉnh với tổng diện tích là 503 km2. Mục tiêu Dự án là nhằm sử dụng hợp lý, hạn chế ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên nước dưới đất. Đánh giá được hiện trạng khai thác, diễn biến trữ lượng, chất lượng nước dưới đất; khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, phục vụ công tác quản lý, cấp phép khai thác nước dưới đất, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị

Sau quá trình triển khai thực hiện, ngày 17/9/2020, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 2049/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, toàn tỉnh Sơn La có 160 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, với tổng diện tích hơn 76.991ha.

Gồm: 41 vùng hạn chế 1, tổng diện tích hơn 59.500ha. Trong đó, 13 vùng hạn chế đối đất nghĩa trang tập trung, tổng diện tích hạn chế hơn 1.639ha. 18 vùng hạn chế đối với bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung, tổng diện tích hạn chế hơn 44.474ha.

2 vùng hạn chế đối với khu vực có sụt, lún đất, diện tích hạn chế 138,226 ha. 8 vùng hạn chế đối với khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm nước dưới đất, diện tích hạn chế hơn 13.282ha.

87 vùng hạn chế 3, diện tích hơn 12.700ha, gồm các khu vực dân cư đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cả về thời gian, lưu lượng, chất lượng nước phù hợp với mục đích sử dụng nước.

32 vùng hạn chế hỗn hợp, diện tích hơn 4.700ha, gồm các khu vực chồng lấn giữa vùng hạn chế 1 và vùng 3.

Đại diện đơn vị tư vấn trình bày tóm tắt kết quả thực hiện Dự án

Với từng khu vực cụ thể sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác phù hợp. Đặc biệt, với vùng hạn chế 1, phải dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước dưới đất hiện có và thực hiện xử lý, trám lấp giếng theo quy định. Với khu vực liền kề, không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới.

Với các công trình hiện có, trường hợp công trình không có giấy phép, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính, phải dừng hoạt động khai thác, thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng, trừ trường hợp công trình đang khai thác nước dưới đất để cấp nước sinh hoạt, phục vụ phòng chống thiên tai.

Trường hợp công trình cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng chống thiên tai thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác nước dưới đất nhưng không có giấy phép, thì được cấp giấy phép nếu đủ điều kiện, sau khi chấp hành các quy định xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp công trình có giấy phép, được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép, chỉ gia hạn, điều chỉnh, cấp lại với công trình cấp nước sinh hoạt, phục vụ phòng chống thiên tai nếu đủ điều kiện để được gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép theo quy định.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La đã đề nghị các sở ban ngành, UBND cấp huyện căn cứ Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đã được phê duyệt để thẩm định, cho phép triển khai các Dự án có khai thác, sử dụng nước dưới đất để đảm bảo đúng quy định tại Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 167/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 2049/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

UBND cấp huyện phối hợp với Sở TN&MT lập Đề án điều tra, thống kê, cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu và lập danh sách các công trình khai thác hiện có thuộc các vùng, khu vực hạn chế đã được công bố; xây dựng phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Điều tra, đánh giá, xác định khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất; lập Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác và tổ chức thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất theo phân cấp của UBND tỉnh được quy định tại Thông tư 27/2014/TT-BTNMT.

Về phía Sở TN&MT, Sở TN&MT sẽ tiếp tục điều tra, thống kê, cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu và lập danh sách các công trình khai thác nước hiện có thuộc các vùng đã được công bố hạn chế, từ đó, lập phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất.

Nguyễn Nga