Kinh nghiệm phân loại rác bắt buộc tại Thượng Hải (Trung Quốc)

Thế giới - Ngày đăng : 17:21, 28/10/2020

(TN&MT) - Sáng ngày 1 tháng 7, ở Thượng Hải trời mưa to, nhưng hai nữ tình nguyện viên, mặc áo mưa và đi ủng cao su, đã dậy từ rất sớm để đứng bên các thùng rác và hướng dẫn người dân: “Vỏ dưa hấu à? Chất thải ẩm ướt bỏ vào đây…”. Rõ ràng là không ai có thể tiếp tục đổ túi rác của mình vào thùng nào gần nhất cho tiện nữa.

Đây là ngày đầu các quy định mới có hiệu lực ở Thượng Hải, đánh dấu một kỷ nguyên mới của việc phân loại rác bắt buộc. Và Thượng Hải chính thức  trở thành địa phương đầu tiên của Trung Quốc triển khai nghiêm túc quy định này .

Từ năm 2000, Trung Quốc đã cho thử nghiệm hệ thống phân loại rác đặt tại 8 thành phố,. Nhưng việc này đã không tạo dựng được thói quen cho người dân, bởi sau khi thu gom, rác lại được đổ chung khiến việc phân loại trở nên vô ích

Năm 2017, khi Trung Quốc thúc đẩy khái niệm “văn minh sinh thái”, chính phủ đã ban hành kế hoạch phân loại rác bắt buộc và một nỗ lực mới đã bắt đầu. Vào tháng 11 năm 2018, ông Tập Cận Bình đã nói trong chuyến thăm Thượng Hải: “Phân loại rác là một xu hướng mới. Thành phố này phải trở thành địa phương tiên phong của Trung Quốc”.

Một trạm phân loại rác mới được xây dựng ở Thượng Hải (Ảnh: Wu Yixiu)

Chính quyền Thượng Hải cho rằng: “Chúng ta cần được thực hiện nghiêm túc những quy định về phân loại rác bắt buộc để làm cơ sở, hướng dẫn và nhân rộng mô hình này cho các thành phố khác”.

 Phá vỡ sự bao vây của rác

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà sản xuất rác thải lớn nhất thế giới. Và cũng giống như các thành phố lớn khác của Trung Quốc, Thượng Hải có nguy cơ bị bao vây bởi các bãi rác. Năm 2018, mỗi ngày thành phố thu gom 26.000 tấn rác thải sinh hoạt. Phần lớn rác thải sinh hoạt đó được chuyển đến các bãi chôn lấp hoặc được đốt. Khu xử lý chất thải Laogang ở Thượng Hải là khu xử lý chất thải lớn nhất châu Á, xử lý 20.000 tấn chất thải mỗi ngày, chiếm 70% tổng lượng chất thải của thành phố.

Rác thải sinh hoạt của Trung Quốc chủ yếu là chất thải nhà bếp hoặc chất thải “ướt”. Ở Thượng Hải, nó chiếm 60% tổng số, và điều đó tạo ra những khó khăn cơ bản. Các phương pháp xử lý truyền thống, chẳng hạn như chôn lấp hoặc thiêu hủy kém hiệu quả hơn với chất thải ướt: trong bãi chôn lấp, nó gây ra ô nhiễm thứ cấp từ nước rỉ rác và mêtan; Khi đốt, độ ẩm sẽ tạo ra các chất độc như dioxin. Tách chất thải khô và ướt tại nguồn có thể giảm lượng rác được chôn lấp và đốt, đồng thời làm cho cả hai quy trình đó hiệu quả hơn. Rác nhà bếp được phân loại sau đó có thể được biến thành các nguồn tài nguyên như phân trộn hoặc khí mê-tan.

Tuy nhiên, khi phân loại rác thải thành rác thải ướt và rác thải khô, nghe đơn giản, nhưng thực tế lại khó thực hiện.

Hướng dẫn rõ ràng như thế nào?

Bất cứ ai đã xem xét các quy tắc phân loại rác thải của Thượng Hải có thể cảm thấy bối rối. Xương gà khô là “chất thải ướt”, tã lót ướt là “chất thải khô”? Việc này đã có nhiều ý kiến khác nhau trong nhiều cuộc thảo luận.

Những người trong ngành nói rằng sự phân biệt ướt / khô của Thượng Hải không đủ rõ ràng và sẽ hữu ích hơn nếu giải thích cho công chúng về cách sử dụng các loại chất thải khác nhau. Chất thải ướt là chất thải hữu cơ sẽ thối rữa - chẳng hạn như rau, vỏ hạt, thức ăn thừa - và có thể được ủ thành phân. Chất thải khô đề cập đến những gì sẽ không thối rữa, không độc hại và không thể tái chế.

Zhang Miao, người sáng lập Rcubic- một doanh nghiệp xã hội đang hoạt động để giải quyết các vấn đề tái chế, cho biết: “Loại chất thải ẩm ướt được sử dụng ở Thượng Hải gần với loại chất thải nhà bếp được sử dụng ở các thành phố khác. “Thuật ngữ ướt / khô có thể dễ dàng tạo ra sự nhầm lẫn… chúng ta nên giải thích cách xử lý các loại chất thải khác nhau, và khi đó cư dân sẽ có thể hợp tác tốt hơn”.

Xe thu gom rác thực phẩm đã hoạt động ở Thượng Hải trong nhiều năm. (Hình ảnh: Ma Tianjie)

Còn đối với bà Sun Haiyan- người sáng lập Business Ecologycho rằng: “Điều quan trọng là phải nói cho người dân biết, rác của họ sau khi phân loại sẽ được nhà chức trách xử lý tiếp như thế nào?”

Rác sẽ đi đâu?

Đôi khi chất thải phân loại sẽ bị trộn lẫn sau khi được thu gom. Đây là lý do tại sao người dân tỏ ra không hào hứng với nhiều thử nghiệm phân loại rác của Trung Quốc.

Thực tế, Thượng Hải đã từng bước triển khai “phân tách rác thải từ đầu đến cuối”. Rác thải của thành phố được giữ riêng, vận chuyển riêng và xử lý riêng trên quy mô nhỏ từ năm 2011 đến nay.

Ông You Wenjian- Phó trưởng Phòng Cảnh quan Thành phố và Cảnh quan Quận Jing'an  cho biết, hầu hết các chất thải ướt của quận đều được xử lý đúng cách. “Chúng tôi đã ký hợp đồng dịch vụ với hai công ty quốc doanh, lấy chất thải ướt để làm phân bón sử dụng trong lâm nghiệp từ nhiều năm nay "

Trong khi đó, chất thải có thể tái chế được thu gom thông qua 3.000 điểm tái chế được đặt bên cạnh các điểm thu gom chất thải ướt và khô. You Wenjian giải thích: “Chúng tôi khuyến khích các công nhân vệ sinh địa phương thu gom và bán rác tái chế có giá trị kinh tế cao. Chính phủ chịu trách nhiệm về các loại rác tái chế có giá trị kinh tế thấp. Chúng tôi sẽ cung cấp và hỗ trợ cho bên thứ 3 để thu gom và tái chế loại rác thải này”.

Tình trạng quá tải đối với hệ thống phân loại rác ban đầu là có thật. Điều này đã được xác nhận bởi chính quyền thành phố: “Thượng Hải sản xuất 6.164 tấn chất thải ướt mỗi ngày và có thể chuyển đổi khoảng 5.050 tấn thành tài nguyên”. Như vậy, vẫn còn những thách thức lớn để đảm bảo năng lực xử lý chất thải có thể theo kịp với sản lượng chất thải của thành phố.

Hao Liqiong, giám đốc dự án của Trung tâm Tư vấn Môi trường Jing'an Aifen, nhận xét rằng “năng lực xử lý chất thải đang được mở rộng và người dân cần phải phân loại, hai quá trình này bổ sung cho nhau”.

Quy định bắt buộc

Người dân Thượng Hải không phải chỉ phân loại rác, mà còn phải mang tới một số nơi nhất định, vào những thời điểm nhất định. Các thùng chứa rác được đặt và kiểm soát ở các địa điểm cụ thể, chỉ mở vào một số thời điểm nhất định.

Nếu không thực hiện, người dân có thể bị phạt từ 50 đến 200 nhân dân tệ (7-30 đô la Mỹ) vì vi phạm, trong khi các công ty có thể bị phạt tới 50.000 nhân dân tệ (7.300 đô la Mỹ). Những biện pháp trừng phạt đó được triển khai ngay từ ngày đầu. Ngày 1 tháng 7 năm 2020, các quan chức Thượng Hải đã thực hiện 3.600 lượt để kiểm tra 4.216 khu dân cư, khách sạn và cơ sở kinh doanh, với 623 thông báo cảnh báo được đưa ra.

Nhưng việc thực thi phân loại rác rất tốn kém. Ban đầu, một số khu phố sẽ có nhân viên trông coi các thùng rác để đảm bảo chất thải được phân loại và gửi đúng cách, và các thùng sẽ được khóa khi không có người phục vụ. Tuy nhiên, điều này gây bất tiện cho người dân, và đại diện cộng đồng đã kêu gọi các tình nguyện viên địa phương hỗ trợ.

Hào- sáng lập viên của một tổ chức hoạt động vì môi trường cho rằng: “Việc phân loại rác không chỉ tuân theo luật, mà rất quan trọng là vai trò và tinh thần thực thi của hai lực lượng: sự tận tâm từ phía cư dân, và sự hỗ trợ, giám sát của khu phố ”.

Vai trò của các tổ chức xã hội

Các tổ chức phi chính phủ của Thượng Hải và các nhóm xã hội khác đã tham gia vào việc thúc đẩy phân loại rác thải. Tổ chức của Hao đã khuyến khích việc phân loại rác trong các khu dân cư trong hơn một thập kỷ qua. Kinh nghiệm của họ cho thấy yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công là sự tương tác giữa các cư dân.

Li Changjun-một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Kỹ thuật và Khoa học Môi trường của Đại học Fudan, cho biết: “Nghiên cứu cho thấy tình nguyện viên tham gia hiệu quả hơn nhiều việc tuyên truyền bằng áp pích”. Anh ấy là thành viên của một nhóm từ năm 2012 đã nghiên cứu, điều gì đưa đến hành vi phân loại rác lâu dài? Nghiên cứu của họ cho thấy các tình nguyện viên khuyến khích các cư dân phân loại rác là yếu tố cộng đồng quan trọng nhất. Còn các chính sách về phần thưởng vật chất, dựa trên tính điểm, không có tác động đáng kể.

Giáo sư Marie Harder- người đứng đầu nhóm nghiên cứu đó cho rằng, chính quyền cần có một thái độ cởi mở hơn, chứ không chỉ nghĩ đến hình phạt. “Ví dụ, nếu một số người cảm thấy không thoải mái với thời gian hoặc địa điểm cụ thể, hoặc có ý tưởng mới về việc phân loại rác, họ nên thảo luận với cộng đồng của họ.”

Các cuộc phỏng vấn trên đường phố của các phương tiện truyền thông đã phát hiện ra rằng những khu dân cư nơi rác thải được phân loại thành công là có ý thức cộng đồng tốt và sự nhiệt tình cao. Sun Haiyan nói: “Việc phân loại rác là vấn đề chung, chứ không phải chỉ là của những người giám sát và người được giám sát. Điều đó nên được thực hiện thông qua việc xây dựng ý thức cộng đồng và nâng cao năng lực tự quản.”

Trung Quốc có kế hoạch lắp đặt hệ thống phân loại rác ở 46 thành phố vào cuối năm 2020 và ở hầu hết các thành phố lớn vào năm 2025. Bài học về quá trình phân loại rác thải ở Thượng Hải hiện nay, được xem là định hướng cho quá trình triển khai phân loại rác tại các thành phố khác của Trung Quốc vào những năm tiếp theo.

Phạm Hương