Dự báo sản lượng điện Việt Nam sẽ tăng lên 950 tỷ kWh vào năm 2045
Kinh tế - Ngày đăng : 15:22, 28/10/2020
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phát biểu tại diễn đàn |
Phát triển năng lượng sạch và tái tạo ngày nay đang là xu thế mới, làm thay đổi khá nhanh chóng cơ cấu ngành năng lượng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã khẩn trương xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách để phát triển năng lượng sạch và tái tạo với tầm nhìn dài hạn, tập trung nhiều các nguồn lực về con người, khoa học - công nghệ và tài chính - tín dụng hướng tới việc xây dựng nền kinh tế các-bon thấp. Các ngành năng lượng sạch và tái tạo ngày nay đã và đang làm thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại theo hướng thân thiện, bền vững.
Theo Bộ Công thương, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Theo đó, Việt Nam có số giờ nắng trung bình hàng năm khoảng 1.500 giờ tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng và lên đến 2.700 giờ tại các tỉnh Nam Trung bộ. Mật độ năng lượng mặt trời biến đổi trong khoảng 3.000 đến 5.000 kCal/m2/ngày.
Ước tính của Bản đồ gió toàn cầu (Earth Wind Map) cho thấy, hơn 39% diện tích của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 6 m/s, ở độ cao 65 m và hơn 8% diện tích đất liền của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 7 m/s, tương ứng với tiềm năng tài nguyên gió là 512 GW và 110 GW. Tính đến yếu tố hạn chế về sử dụng đất, tiềm năng phát triển điện gió trên bờ vào khoảng 42 GW, phù hợp triển khai dự án điện gió quy mô lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, khi nền kinh tế tiếp tục mở rộng, nhu cầu nguồn năng lượng sơ cấp của Việt Nam dự kiến sẽ tăng bình quân 4,6%/năm, từ 105 MTOE (triệu tấn dầu tương đương) năm 2020 lên 321 MTOE vào năm 2045. Chủ yếu là nhu cầu than và khí đốt trong lĩnh vực phát điện và các sản phẩm dầu trong ngành giao thông vận tải.
“Trong gần 10 năm qua, sản lượng điện sản xuất đã tăng hơn 2,3 lần, từ 101,4 tỷ kWh vào năm 2010 lên gần 235 tỷ kWh vào năm 2019. Sản lượng điện của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh, với tốc độ trung bình là 5,6%/năm, từ 245 tỷ kWh năm 2020 lên 950 tỷ kWh vào năm 2045. Mặc dù tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện dự báo giảm nhưng các nguồn nhiên liệu hóa thạch (than và khí đốt) vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu cho sản xuất điện ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng. Do đó, việc phát triển năng lượng tái tạo cần được quan tâm để phát triển nhanh trong thời gian tới”, ông Vy chia sẻ.
Thời gian qua, Nhà nước cũng đã ban hành các chính sách và cơ chế để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, gió cũng như gia tăng bổ sung vào quy hoạch điện các dự án điện gió, điện mặt trời và chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn tới.
Toàn cảnh diễn đàn |
Mặc dù năng lượng tái tạo mang lại nhiều lợi ích nhưng hiện nay vẫn chưa được phát triển nhanh, rộng tại Việt Nam. Nguyên nhân là bởi nhà đầu tư còn gặp phải nhiều rào cản như: rảo cản về thể chế; rào cản pháp lý; rào cản đầu tư; rào cản kỹ thuật; rào cản thương mại; rào cản thị trường và rào cản nhân lực kỹ thuật.
Tại diễn đàn, đại diện các Bộ, ban, ngành, chuyên gia và nhà đầu tư đã chia sẻ các nội dung liên quan tới Chính sách phát triển hạ tầng bền vững và nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ về năng lượng; Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển năng lượng bền vững; xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam; Thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực hoạch định chính sách phục vụ phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo Việt Nam,… góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cũng tại chương trình, Ban tổ chức (BTC) đã “Trao chứng nhận dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam 2020” lần thứ Nhất. Theo BTC, sau hơn 2 tháng kể từ ngày thông báo đã có 30 dự án gửi về tham gia xét duyệt. Sau 5 vòng chấm, Ban giám khảo gồm các các chuyên gia hàng đầu của ngành năng lượng tái tạo làm việc chặt chẽ, công tâm và lựa chọn được 11 dự án tiêu biểu đã đi vào hoạt động để vinh danh.
Những dự án được vinh danh không chỉ hướng đến lợi ích cộng đồng, cũng như hiệu quả kinh tế có thể mang lại mà còn vượt qua các tiêu chí chọn lọc khắt khe về môi trường, thiết kế, kỹ thuật…. Đây cũng là sự ghi nhận đối với những đóng góp của các dự án này với cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đất nước.