Trắng đêm ứng phó bão số 9, mưa lớn tại Đà Nẵng

Xã hội - Ngày đăng : 08:29, 28/10/2020

(TN&MT) - Bão số 9 đã tiến vào đất liền, sáng nay (28/10) Đà Nẵng đã bắt đầu xuất hiện gió bão kèm mưa lớn. Đường phố vắng tanh, người dân không ra đường, đóng kín cửa, trú trong nhà kiên cố...

Trước đó, trong tối 27/10, tại ban Chỉ đạo tiền phương phòng chống bão số 9 đặt tại TP. Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục chủ trì cuộc họp khẩn triển khai các công tác phònh chống bão số 9.

Lực lượng công an trắng đếm chốt chặn đường qua các cầu trên sông Hàn, Đà Nẵng

Theo Phó Thủ tướng, bão số 9 mạnh và rất nguy hiểm nên yêu cầu các địa phương  hoàn thành việc di dời người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trong thời gian sớm nhất. Những địa điểm đưa người dân vào trú tránh bão phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Lãnh đạo các tỉnh miền Trung phải chuẩn bị mọi biện pháp phòng, chống bão, với tinh thần "đêm nay chúng ta phải thức cả đêm”.

Theo ghi nhận của PV, từ đêm (27/10) đến sáng nay (28/10), TP. Đà Nẵng đã bắt đầu có mưa, không khí đã lạnh hơn so với nắng ấm ban ngày. Từ tối cùng ngày, đường sá địa bàn thưa thớt bóng người, các hàng quán chỉ mở đến 20h rồi đóng chốt cài then. Tại các cầu ngã ba Huế, cầu Thuận Phước... rất đông công an chốt chặn không cho người và phương tiện lưu thông qua lại để đảm bảo an toàn.

23h đêm 27/10, lực lượng chức năng túc trực tại cầu Thuận Phước

Tại âu thuyền Thọ Quang, lực lượng công an bố trí nhân lực, phương tiện ứng trực sẵn sàng xử lý tình huống cháy, nổ. Cơ quan chức năng đã khuyến cáo nhân dân neo đậu lồng bè, nuôi trồng thuỷ sản không ở lại trên lồng, bè có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, ngoài sơ tán dân đất liền, đảm bảo an toàn các khu nuôi cá lồng bè, các hồ chứa,... chính quyền TP. Đà Nẵng sẽ tiến hành cấm lưu thông qua Quốc lộ 14G đoạn từ Km18+400 đến Km+18+650; cầu Thuận Phước, sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý, Phò Nam, tầng 3 nút Ngã ba Huế... theo các tình huống kịch bản thiên tai

“Có thể nói tính đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đã chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng phó khẩn trương, nỗ lực tối đa để bảo đảm an toàn cho người và tài sản”, ông Minh nói.

Điểm cầu vượt Ngã Ba Huế (Đà Nẵng) lúc 23h đêm 27/10

Ngay trong đêm 27/10, các cơ quan chức năng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.000 tàu với 229.290 lao động, trong đó, thoát khỏi khu vực nguy hiểm 4.061 tàu với 29.748 lao động, neo đậu tại các bến là 40.806 với 198.424 lao động. Hiện còn trong vùng nguy hiểm gồm 142 tàu với 1.118 lao động của Bình Định. Các tàu đều đã nhận được thông tin và đang di chuyển trú tránh.

Lực lượng quân đội đã sẵn sàng để huy động tổng số 66.000 lượt người với 1.700 phương tiện gồm tàu to, xuồng máy, trực thăng, ô tô… thuộc các lực lượng Quân khu 5 tham gia phòng chống bão số 9. Nếu cần có thể huy động có thể huy động thêm lực lượng của Quân Khu 7, Quân khu 4, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4..

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Đà Nẵng trong sáng nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 9, nên từ chiều tối và đêm qua tại thành phố Đà Nẵng đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to, mưa rất to. Lượng mưa từ 13h ngày 27/10 đến 01h ngày 28/10 phổ biến 15-40mm, có nơi cao hơn như Suối Đá 53.0mm.

Các điểm xung yếu, lực lượng chức năng đều túc trực 24/24

Dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 9 nên từ nay đến ngày 29/10 thành phố Đà Nẵng có mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa tính từ 01h ngày 28/10 đến ngày 29/10 tại các địa phương phổ biến 150-200mm, có nơi trên 250mm.

Xuân Lam