Ninh Bình đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch quốc gia

Du lịch - Ngày đăng : 15:23, 27/10/2020

(TN&MT) - Sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra thành công tốt đẹp, Thường trực Tỉnh ủy, Tiểu Ban Tuyên truyền và phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã tổ chức họp báo, thông tin về kết quả Đại hội. Trong đó, thông tin một số vấn đề quan trọng trong việc thực hiện nghị quyết khoá XXII và đặt ra mục tiêu hướng đến xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch quốc gia.

Với tinh thần “Đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - sáng tạo - phát triển”, Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã thảo luận, góp ý, thống nhất, thông qua các văn kiện: Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXI; Báo cáo tổng hợp các ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thông tin tại buổi họp báo.

Các văn kiện thông qua tại Đại hội được xây dựng trên cơ sở tổng kết khách quan, sâu sắc, khẳng định những thành tựu quan trọng, nổi bật đã đạt được; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, kinh nghiệm rút ra sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đồng thời bám sát định hướng phát triển trong dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và tình hình thực tiễn địa phương, thực sự đổi mới tư duy để xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Đại hội đã thống nhất biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với 14 chỉ tiêu, 3 khâu đột phá, 6 chương trình trọng tâm.

Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình có tổng diện tích của quần thể danh thắng khoảng 12.252ha, chứa đựng các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh.

Trong đó, nghị quyết Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXII có mục tiêu là hướng đến xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch quốc gia; tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đến năm 2025 khách du lịch đạt 8-9 triệu lượt, doanh thu trên 8.000 tỷ đồng.

Trước đó, ông Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cũng đã nêu ra các thuận lợi, khó khăn và mục tiêu phát triển ngành du lịch Ninh Bình trong những năm tới gắn với Nghị quyết 08 ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Bùi Thành Đông, Ninh Bình là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, là kinh đô của nhà nước Đại Cồ Việt thế kỷ thứ X, gắn với 3 triều đại Đinh – Tiền Lê – Lý, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ Cố đô Hoa Lư, vườn quốc gia Cúc Phương, Tam Cốc – Bích Động, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Đặc biệt, năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới – Di sản hỗn hợp đầu tiên ở Đông Nam Á, đã tạo ra lợi thế và tiềm năng to lớn để Ninh Bình phát triển du lịch.

Di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Tràng An – Tam Cốc - Bích Động.

Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tỉnh Ninh Bình phát triển mạnh mẽ, đến nay toàn tỉnh có gần 700 cơ sở lưu trú, với 8.200 phòng ngủ, trong đó có 15 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 – 4 sao. Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được quan tâm và có nhiều đổi mới. Công tác quản lý bảo tồn phát huy giá trị di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An được coi trọng.

Hoạt động du lịch đạt kết quả rõ nét, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2019:  Khách tham quan tăng trên 6%; Doanh thu du lịch tăng 24%; Năm 2019 toàn tỉnh đón 7,65 triệu lượt khách, trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 3.600 tỷ đồng gấp 3 lần so với năm 2015.

Thời gian qua, nhiều dự án cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch cũng được quan tâm, đầu tư khai thác có hiệu quả như khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, khu du lịch sinh thái Tràng An, di tích Cố đô Hoa Lư, khu văn hóa  tâm linh chùa Bái Đính… đã góp phần tạo nên các sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn.

Tại buổi họp báo, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cũng bày tỏ quan điểm, việc tập trung phát triển du lịch phải gắn liền với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá, thiên nhiên.

“Đây là một việc làm cụ thể, chủ đề hướng tới là đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch quốc gia. Do vậy, trong nghị quyết, chương trình hành động tỉnh Ninh Bình luôn hướng tới là phát triển các sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Đó chính là yếu tố quan trọng để góp phần giữ gìn và bảo tồn di sản văn hoá thiên nhiên thế giới của Ninh Bình”, ông Ngọc nói.

Cũng theo ông Phạm Quang Ngọc, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Tràng An, tỉnh Ninh Bình cũng đặc biệt quan tâm và thường xuyên có những chỉ đạo quyết liệt.

“Trong nhiệm kỳ tới 2020-2025, những vấn đề còn tồn tại liên quan đến phát triển du lịch, tỉnh Ninh Bình sẽ khắc phục một cách nghiêm túc, tập trung bảo tồn, tôn tạo, từ đó giá trị các di sản văn hoá sẽ được nâng cao và phát huy được tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực cho du lịch phát triển”, ông Ngọc thông tin thêm.  

 

Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình nằm ở rìa phía Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, có tổng diện tích của quần thể danh thắng khoảng 12.252ha, chứa đựng hầu hết các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh đã được nhận diện, xếp hạng ở cấp tỉnh (26 di tích) và cấp quốc gia (20 di tích), trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là: Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cố đô Hoa Lư và danh lam thắng cảnh Tràng An – Tam Cốc - Bích Động.

Quần thể danh thắng Tràng An có các giá trị văn hóa lịch sử và thiên nhiên đặc sắc, hàm chứa nhiều giá trị nổi bật, với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, được tạo nên bởi sự kết hợp hài hòa về hình sông, thế núi, các hang động ngập nước quanh năm với thảm động, thực vật còn hoang sơ nguyên vẹn. Nơi đây còn mang đậm dấu ấn và lưu truyền những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống qua hệ thống các di tích và lễ hội văn hóa đặc sắc.

Ngày 25/6/2014, tại thủ đô Doha (Qatar) tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An vào danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới – Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận dựa trên ba tiêu chí: văn hóa, vẻ đẹp thẩm mĩ và địa chất địa mạo.

 

Việt Linh