Những người giữ rừng ở Lung Ngọc Hoàng
Tài nguyên - Ngày đăng : 14:36, 27/10/2020
Trên mặt sông đầy bông súng đang trổ hoa đỏ rực, chiếc vỏ lãi chở các thành viên đội tình nguyện bảo vệ khu bảo tồn (KBT) xuyên qua khu rừng nguyên sinh. Thỉnh thoảng, những đàn vịt trời, cồng cộc bất ngờ bay nhanh qua rồi biến dạng sau những cánh rừng tràm, giá tỵ, mắm, mua, bằng lăng…
Theo ông Nguyễn Văn Dương, thành viên trong đội, tuần tra đường sông đỡ vất vả hơn đường bộ. Người đi tuần phải trang bị nhiều quần áo chuyên dùng, lương thực, nước uống cả ngày và các thiết bị khác để phòng chống bất trắc. Trong khu rừng rộng hơn 2.000 ha rậm rạp không thấy ánh mặt trời, họ phải đánh dấu lối đi để không trùng lắp đoạn đường đi và biết hướng quay về.
Lên đường tuần tra |
Một nhóm tuần tra có từ 2 đến 3 người. Tất cả đều được tập huấn kỹ năng phòng chống, chữa cháy khi có tình huống bất trắc xảy ra. Khó khăn nhất là khi phát hiện có nguy cơ cháy rừng ở những điểm nằm sâu trong rừng, tất cả thành viên cùng lực lượng bảo vệ KBT phải làm việc liên tục trong điều kiện khắc nghiệt để dập tắt.
“Năm nay nắng nóng “dữ trời” lắm, vì vậy nguy cơ cháy rừng tràm rất dễ xảy ra. Lực lượng chuyên trách ở đây chỉ khoảng 10 người thôi, nên 28 thành viên đội tình nguyện chúng tôi cũng phải chia nhau đi tuần tra bất kể đêm ngày. Mình mà sơ suất một chút là nguy liền, cháy rất khó dập tắt bởi thời tiết quá nóng. Cực “trần thân” nhưng anh em đều rất quyết tâm không để nạn cháy rừng xảy ra” – ông Dương chia sẻ.
Vấn đề hiện nay là 120 gia đình đang định cư trong KBT trên 50 năm qua không đồng ý di chuyển ra ngoài với rất nhiều nguyên nhân. Việc nấu ăn, sinh hoạt của họ có thể gây ra cháy rừng bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể việc nhiều người lén lút vào KBT săn bắt thủy sản, động vật quý hiếm. Đã vậy, khi bắt được các trường hợp đánh bắt trái phép, khai thác gỗ lậu, đội tình nguyện lại không có quyền xử phạt, giữ người nên chỉ có cách duy nhất là tịch thu dụng cụ buộc viết cam kết rồi cho đi.
Một khó khăn nữa là mức lương hỗ trợ hiện nay không đảm bảo đời sống của những người làm nhiệm vụ canh giữ rừng. Anh Nguyễn Quốc Thái, nhân viên bảo vệ KBT cho biết: “Lương hợp đồng của tôi cùng với các khoản khác mỗi tháng chưa đến 2 triệu đồng. Mỗi ngày đóng tiền ăn tập thể 18.000 đồng/buổi. Biết làm sao hơn. Thôi thì tới đâu hay đó. Nếu không có đội tình nguyện bảo vệ rừng thì căng lắm”.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, thành viên đội tình nguyện canh giữ rừng tràm người nhiều nhất đã hàng chục năm, ít nhất cũng 3 năm. Không một ai có khoản bồi dưỡng thu nhập nào, ngay cả tiền ăn, tiền xăng đi tuần tra cũng phải tự lo liệu. Được cái nhà nước cho mình được gác kèo ong để lấy mật bán kiếm tiền mưu sinh với cam kết không dùng lửa lấy mật. Mấy năm trước ong về nhiều, mỗi thành viên trong đội kiếm được từ 20 đến 25 triệu/năm. Năm nay do thời tiết biến đổi bất thường nên ong về rất ít, thu nhập cũng giảm.
Rừng tràm tại KBT nhìn từ trên cao |
Theo ông Lư Xuân Hội, Giám đốc KBT Lung Ngọc Hoàng, KBT vẫn chưa trở thành khu du lịch sinh thái cho khách tham quan vì điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn. Nơi đây chủ yếu chỉ bảo vệ, bảo tồn hoặc phục vụ nghiên cứu khoa học.
Tỉnh Hậu Giang đã kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái tại KBT khoảng 50 ha, kinh phí 15 triệu USD nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu chuyển động. Điều này đồng nghĩa với gánh nặng không để cháy rừng, mất rừng vì lâm tặc, mất thủy sản và các động vật quý hiếm vẫn còn đè nặng trên đôi vai, đôi chân của những người “lính không biên chế, không phiên hiệu” vẫn ngày đêm tuần tra không nghỉ. Họ là những lính giữ rừng âm thầm lặng lẽ để lá phổi xanh đồng bằng mang tên Lung Ngọc Hoàng mãi mãi xanh tươi.
KBT Lung Ngọc Hoàng rộng hơn 2.800 ha, gồm 3 phân khu: Khu Bảo vệ nghiêm ngặt; khu hành chính; khu sinh thái. Nơi đây có quần thể động vật, thực vật đa dạng với 76 loài chim, 31 loài bò sát, 135 loài chim nước quý hiếm như bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, đà đẩy, vạc, ác là... cùng với 73 loài cá khác nhau.
Đây vừa là "rốn" cá vừa là lá phổi xanh bảo vệ một phần sinh thái đồng bằng, đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị về văn hóa, lịch sử của địa phương. Điều đáng mừng là hiện nay các loài thú, cá quý hiếm như dơi chó, chồn mực, cáo mèo, càng đước, cua đinh, rùa vàng, cá còm... xuất hiện ngày càng nhiều, càng làm cho Lung Ngọc Hoàng tăng thêm sức hấp dẫn với du khách trong tương lai gần.