EU hỗ trợ Đà Nẵng lắp đặt 14 hệ thống điện năng lượng mặt trời
Kinh tế - Ngày đăng : 11:34, 27/10/2020
Sáng 27/10, Sở Khoa học & Công nghệ TP. Đà Nẵng phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu, Quản lý Dự án Phát triển NLMT tại Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng có số giờ nắng trung bình 2.100 giờ/năm, cường độ bức xạ trung bình 4,89kWh/m2/ngày. Qua đó, tiềm năng từ NLMT để sản xuất điện là 0,733kWh/m2/ngày. Như vậy, có thể thấy rằng NLMT tại Đà Nẵng có tiềm năng lớn, phù hợp với việc khai thác, sử dụng loại năng lượng này để phát triển trong thời điểm hiện nay và cả trong tương lai.
Trao tặng giấy chứng nhận ghi nhận sự đóng góp và tham gia tích cực vào dự án |
Dự án phát triển NLMT tại Đà Nẵng (DSED) do EU tài trợ được triển khai từ 7/2017-10/2020 với tổng vốn trị giá 444.000 Euro. Đến nay, Dự án đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng năng lượng mặt trời thông qua các hoạt động như: Xây dựng bản đồ tiềm năng NLMT cho thành phố Đà Nẵng cập nhật tại trang web http:nlmtdanang.com.vn; Báo cáo tiềm năng ứng dụng NLMT tại một số ngành công nghiệp; Ban hành sổ tay phát triển các dự án điện mặt trời lắp mái tại thành phố Đà Nẵng, phối hợp với Viện Tiêu chuẩn ban hành Tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn đối với mô đun quang điện tại Việt Nam; Hoàn thành phần mềm ứng dụng NLMT áp mái trên điện thoại thông minh…
Ngoài ra, các khóa đào tạo cho cán bộ quản lý, các nhà đầu tư, hộ gia đình và sinh viên đã góp phần nâng cao nhận thức về sử dụng nguồn NLMT vào đời sống, từ đó thúc đẩy nhu cầu lắp đặt hệ thống điện NLMT rộng khắp Đà Nẵng.
Đặc biệt, dự án đã triển khai lắp đặt 14 hệ thống điện NLMT tại các cơ sở công, hộ gia đình từ nguồn vốn của EU với tổng công suất lắp đặt 70,5kWP góp phần lan tỏa và nhân rộng ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời sạch và bền vững tại TP. Đà Nẵng. Theo tính toán, các hệ thống này mỗi năm tạo ra tổng sản lượng điện khoảng 102.784kWP; tiết kiệm cho mỗi cơ sở công 26 triệu đồng/hệ và mỗi hộ gia đình 8,6 triệu đồng/hệ…
Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) chia sẻ: Việc lắp đặt hệ thống điện NLMT áp mái giúp nhà trường tiết kiệm đến 25% tổng nhu cầu sử dụng điện, làm giảm sức ép về nhu cầu điện lên lưới điện quốc gia, qua đó góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, giáo dục cho học sinh việc sử dụng, tiết kiệm điện.
“Đây là mô hình trải nghiệm thực tế giúp học sinh nghiên cứu và áp dụng các kiến thức về vật lí, công nghệ được học từ nhà trường; đồng thời thấy được việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến (vật liệu, linh kiện,…) để sản xuất được nguồn năng lượng sạch- bền vững- hạn chế phát thải CO2 để đối phó với biến đổi khí hậu.”- thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy cho hay.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời tại trường Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) do EU tài trợ |
Phát biểu tại Hội thảo, bà Cescile Leroy, Quản lý chương trình, Phái đoàn EU tại Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của các đơn vị trong quá trình triển khai dự án tại TP Đà Nẵng vì sự phát triển bền vững.
Theo bà Ce'cile Leroy, dự đoán đến 2030, 75% khí phát thải nhà kính ở Việt Nam sẽ xuất phát từ ngành năng lượng, do đó, giảm tác động của ngành năng lượng rất quan trọng. Trong vòng 7 năm qua, EU đã hợp tác với Việt Nam nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng trong lĩnh vực năng lượng cho chúng ta thấy năng lượng mặt trời, năng lượng sạch đang dần được hiện thực hóa và thông qua dự án này, không chỉ giúp giảm phát thải nhà kính và còn tiết kiệm được kinh phí.
“Thực tế cho thấy, các hộ gia đình, trường học được lắp đặt hệ thống điện NLMT đã tiết kiệm được chi phí rất lớn trên hóa đơn tiền điện. Các kết quả đáng quan trọng của dự án mang tính dẫn dắt cho các dự án về sau.” – bà Ce'cile Leroy khẳng định.