Thăm dò quặng chì kẽm khu vực Nậm Shi (Bắc Kạn): Phải nghiêm ngặt bảo vệ môi trường sinh thái
Khoáng sản - Ngày đăng : 09:59, 27/10/2020
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thành Trung - Đại diện Công ty CP tư vấn, xây dựng công nghiệp và hoạt động khoáng sản, đơn vị thực hiện Đề án thăm dò quặng chì - kẽm khu vực Nậm Shi tại cuộc họp do Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia (Bộ TN&MT) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Dự kiến tính trữ lượng cấp 122 với mục tiêu 5.000 tấn kim loại
Huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn là một trong những khu vực có khoáng sản chì, kẽm với tài nguyên, trữ lượng được ghi nhận theo các tài liệu là rất lớn, Nhà nước đã ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư tìm kiếm đánh giá, thăm dò và khai thác chế biến chì, kẽm để phục vụ công nghiệp và phát triển kinh tế trong vùng.
Theo nhu cầu thị trường và nguyên liệu đầu vào cho nhà máy tuyến của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hoàng Nam, công ty kết hợp với đơn vị tư vấn tiến hành các thủ tục trình các cơ quan ban ngành cho phép được đầu tư thăm dò mỏ chì kẽm khu Nậm Shi.
Thăm dò quặng chì kẽm. Ảnh minh họa |
Đề án thăm dò quặng chì - kẽm khu vực Nậm Shi nhằm thăm dò các thân quặng chì kẽm, tính trữ lượng cấp 122, mục tiêu trữ lượng cấp 122 là 5.000 tấn kim loại Pb+Zn; nghiên cứu đặc điểm hình thái, quy mô, chất lượng và tính chất công nghệ quặng; nghiên cứu đặc điểm địa chất thủy văn - địa chất công trình nhằm đáp ứng yêu cầu thiết kế khai thác mỏ.
Nhiệm vụ của Đề án gồm: Thăm dò các thân quặng theo mạng lưới phù hợp với trữ lượng cấp 122; tiến hành tổng hợp công tác: đo vẽ địa chất, thi công công trình, lấy và phân tích mẫu các loại nhằm làm sáng tỏ cấu trúc địa chất chứa quặng, đặc điểm các thân quặng, chất lượng quặng của khu vực mỏ Nậm Shi; tiến hành các phương pháp nghiên cứu đặc điểm địa chất thủy văn - địa chất công trình trong phạm vi mỏ và vùng mỏ; thành lập bản đồ địa hình mỏ tỷ lệ 1:2.000, xác định các mốc trắc địa, các tuyến và công trình thăm dò trên thực địa và trên bản đồ.
Tại Hội nghị kỹ thuật góp ý Đề án thăm dò quặng chì kẽm khu Nậm Shi vào tháng 8/2019, ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Đề án cần thiết kế thi công thăm dò theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là lộ trình đo vẽ chi tiết trên mặt, thi công các vết lộ, hào theo mạng lưới thưa nhằm sơ bộ khoanh nối, xác định hình thái phát triển của các thân quặng, tổng hợp kết quả thi công làm cơ sở thiết kế tiếp theo; giai đoạn 2 sẽ tiến hành thi công chi tiết công tác trắc địa, địa vật lý, địa chất thủy văn - địa chất công trình và các công trình thăm dò như: khoan máy nhằm khống chế thân quặng dưới sâu đảm bảo mạng lưới tính trữ lượng, quá trình thăm dò cần phải cập nhật thường xuyên kết quả thi công để kịp thời điều chỉnh phương pháp, khối lượng nhằm đảm bảo hiệu quả.
Chú trọng bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản
Ông Nguyễn Thành Trung cho rằng, bảo vệ môi trường là vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm, việc thăm dò khoáng sản nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu cho sự phát triển kinh tế luôn đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái. Các dạng công tác điều tra địa chất gồm cả công việc thi công các công trình thủ công và các thiết bị máy móc (khoan), do vậy không tránh khỏi một số tác động đến môi trường.
Theo đơn vị tư vấn Đề án, các nguyên tố Pb, Zn là các nguyên tố tạo quặng chính trong các thân quặng, là nguồn cung cấp các khoáng sản Pb, Zn cho nền kinh tế, nhưng bản thân các nguyên tố đó cũng là nguyên tố độc hại khi nó phân tán ra môi trường. Từ các thân quặng phát tán ra môi trường đất, nước các nguyên tố Pb, Zn khi thân quặng bị phá hủy. Vì vậy, trong quá trình thi công các công trình hào, khoan, cần thiết phải chú ý bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái.
Cụ thể, trong công tác trắc địa, không tiến hành phát tuyến vào phần diện tích rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng sản xuất; hạn chế tối đa việc chặt, phát cây tại các diện tích khác.
Trong công tác khai đào, không tiến hành chặt, phát cây tại các diện tích rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng sản xuất và cũng hạn chế tối đa việc chặt, phát cây tại các diện tích khác.
Trong công tác khoan, sử dụng các loại máy khoan phù hợp có thể tháo rời, vận chuyển bằng thủ công; không tiến hành làm đường vận chuyển khoan để tránh việc chặt, phát cây nhất là cây trong các diện tích rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng sản xuất.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, các công trình khai đào phải tiến hành san lấp ngay sau khi đã thu thập đầy đủ các loại tài liệu, cũng như lấy các loại mẫu và đã được nghiệm thu, nhằm trả lại mặt bằng tự nhiên và tránh nguy hiểm cho người và gia súc đi lại, các công trình cần phải quan trắc lâu dài, phải được rào chắn cẩn thận.
Ngoài ra, khi thi công công trình khoan xong, nhất thiết phải được lấp bằng xi măng, cát (bê tông) hoặc sét nhằm bảo vệ cho quặng không bị oxy hóa cũng như đảm bảo an toàn cho việc khai thác sau này.