Lối ra cho rác

Môi trường - Ngày đăng : 09:31, 27/10/2020

(TN&MT) - Lần thứ 2 trong năm 2020, người dân xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn chặn xe chở rác vào bãi Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Mặc dù, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) đã thực hiện phân luồng rác thải để đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng thành phố Hà Nội vẫn ngập trong rác.

Không nói, ai cũng biết, rác là một phần “tất yếu” của cuộc sống. Sự gia tăng dân số đô thị và cả nông thôn cũng như sự phát triển kinh tế dẫn theo sự gia tăng các loại rác thải tại Việt Nam.

Điều này dẫn đến môi trường ngày càng ô nhiễm làm giảm chất lượng sống của con người cũng như mất mỹ quan. Do đó, việc xử lý rác thải là vấn đề cấp bách của toàn xã hội, nỗi lo toan của Chính phủ chứ không riêng địa phương nào. Tuy vậy, đô thị, nhất là Hà Nội và TP.HCM cấp bách hơn nhiều.

Ảnh minh họa 

Rác không chỉ là rác mà thực sự nó đang trở thành vấn đề an ninh xã hội. Nhìn người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, nhìn bộ mặt Thủ đô ùn ứ rác chúng ta thấy rõ điều đó. “Khủng hoảng rác” xảy ra suốt thời gian qua ở nhiều đô thị lớn của nước ta, trong đó, có Thủ đô Hà Nội, không chỉ đơn thuần là chuyện của những cọng rác và bãi chôn lấp rác mà nó bộc lộ nhiều vấn đề ngay trong khâu quản lý.

Nguyên nhân chính của thực trạng khủng hoảng này hiện nay xuất phát từ việc rác đã không được phân loại tại nguồn. Hoặc nếu có cũng chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm, nặng về hình thức chứ chưa áp dụng triệt để. Vòng luẩn quẩn đổ lỗi cho nhau khi người dân chưa quan tâm lắm đến việc phân loại rác, còn cơ quan chức năng vẫn mãi loay hoay với biện pháp chôn lấp vì không thể tìm ra một giải pháp khả thi.

Đã có nhiều cảnh báo về tình trạng nhiều đô thị lớn sắp hết chỗ đổ rác. Thời gian gần đây, cũng có nhiều cuộc xung đột giữa nhân dân với chính quyền ở nhiều đô thị lớn của cả nước cũng xuất phát vì chuyện đổ rác. Giải pháp đối thoại giữa nhân dân và chính quyền khó giải quyết triệt để được vấn đề, nếu cách xử lý rác chủ đạo vẫn là chôn lấp.

Theo số liệu thống kê hiện nay tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam ước tính khoảng 12,8 triệu tấn/1năm, trong đó, khu vực đô thị là 6,9 triệu tấn/1năm (chiếm 54%) lượng chất thải rắn còn lại tập trung tại các huyện lỵ, thị xã thị trấn. Dự báo, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị đến năm 2020 sẽ là khoảng 22 triệu tấn/1năm.

Trong khi đó, hiện nay, chúng ta áp dụng phương pháp chủ yếu vẫn là chôn lấp, với số lượng trung bình 1 bãi chôn lấp/một đô thị. Riêng TP. Hà Nội và TP.HCM, mỗi đô thị có từ 4 - 5 bãi chôn lấp và khu xử lý. Có tới 85% đô thị từ thị xã trở lên sử dụng phương pháp chôn lấp chất thải không hợp vệ sinh. Toàn quốc có có khoảng 100 bãi chôn lấp chất thải tập trung đang vận hành, nhưng mới có gần 20 bãi được coi là chôn lấp hợp vệ sinh.

Giải pháp được coi là ít tốn kém và dễ thực hiện này không còn phù hợp khi hiện nay lượng rác thải tăng lên theo cấp số nhân, còn đất đai không thể nảy nở thêm. Đó là chưa nói phương pháp chôn rác hoàn toàn không hề rẻ so với việc chúng ta trả giá về môi trường sống và sức khỏe người dân.

Nhìn từ cuộc khủng hoảng hôm nay cho thấy, đây không chỉ là câu chuyện quanh bãi rác, mà còn là câu chuyện về quy hoạch dân cư ở nội đô và nhiều vấn đề khác xung quanh việc xử lý rác thải. Quy hoạch bãi rác cũng là một phần của hạ tầng kỹ thuật đô thị, không thể lược bỏ. Nếu không sớm cải thiện, rác sẽ “vượt” nhiều vấn đề nóng khác như giao thông, trở thành vấn đề số một của đô thị.

Một đô thị hướng đến văn minh, cần phải có cách xử lý chất thải văn minh, ít ảnh hưởng đến môi trường.

Phương Anh