Ngập lụt ở miền Trung có khả năng trầm trọng hơn do bão số 9

Môi trường - Ngày đăng : 17:30, 26/10/2020

(TN&MT) - Bão Molave (bão số 9) đang di chuyển trên biển Đông và dự kiến đổ bộ vào miền Trung nước ta vào đêm ngày 27 – sáng ngày 28/10. Với dự báo bão cấp 12, giật trên cấp 12, bão Molave và hoàn lưu sau bão nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây mưa lũ trong những ngày sắp tới. Trong khi đó, nhiều địa phương miền Trung còn chưa kịp gượng dậy sau những thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua.

Để làm rõ hơn về tác động của bão số 9, Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT). Ảnh: Tuyết Chinh


PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương: Sáng ngày 26/10, bão Molave đã đi vào Biển Đông, thành cơn bão số 9 năm 2020. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Phạm vi ảnh hưởng của bão là từ phía Nam Nghệ An đến Khánh Hoà, nhưng trọng tâm là từ Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng, kéo vào Quy Nhơn - Phú Yên. Gió mạnh không chỉ ở các tỉnh khu vực ven biển, mà có thể gió giật cấp 8-9 xảy ra khu vực Tây Nguyên.

PV: Thưa PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, nếu cơn bão số 9 đổ bộ vào Việt Nam có thể gây ra tác động như thế nào khi cộng hưởng với tình hình mưa lũ vừa qua?

Do ảnh hưởng của bão, sóng biển có thể cao từ 8-10m. Nước dâng do bão từ Quảng Bình đến Đà Nẵng có thể gây ngập lụt.

Dự báo phạm vi mưa do bão trải rộng từ Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ (từ Nam Nghệ An đến Phú Yên). Sau khi bão đi vào sâu thì còn có hoạt động của không khí lạnh phối hợp với hoàn lưu bão tạo vùng hội tụ, do đó, tình hình mưa ở Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có thể kéo dài đến ngày 30 - 31/10; với tổng lượng mưa từ 500 - 700mm.

Với kịch bản mưa như vậy, các sông từ Nghệ An đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum xuất hiện đợt lũ mới, mực nước một số sông có thể lên tới báo động 3. Như vậy, với nền mực nước đang ở mức cao trên các lưu vực sông ở miền Trung, đợt mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 9 được dự báo sẽ có khả năng làm trầm trọng thêm nguy cơ ngập lụt cho khu vực này.

PV: Đến bao giờ đợt mưa lũ này mới kết thúc, thưa bà?

PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương: Mưa lớn tại miền Trung đã kéo dài từ ngày 5 - 6/10 đến nay, gây mưa lớn, lũ lụt kỉ lục và sạt lở đất vô cùng nghiêm trọng cho miền Trung. Do ảnh hưởng của cơn bão số 8 – 9, dự kiến mưa có thể kéo dài đến cuối tháng 10.

Mặc dù vậy, dấu hiệu mưa bão ở khu vực Miền Trung vẫn sẽ kéo dài xuyên sang tháng 11. Thậm chí đến đầu tháng 12 vẫn có thể tiếp tục xảy ra các hiện tượng mưa bão ở ven biển miền Trung. Mưa lớn với nền mực nước trên các sông đang cao, dẫn đến nguy cơ lũ lụt đang thường trực với người dân trong vùng.

Lũ lụt năm nay tại miền Trung được đánh giá là vô cùng nghiêm trọng và đã vựợt qua qua một số trận lũ lịch sử như 1979, 1983, 2009 và gần tương đương với trận lũ lịch sử năm 1999. Cụ thể tại Quảng Bình, Quảng Trị lũ lụt những ngày qua đã vượt lũ lịch sử tại các địa phương này so với đợt lũ tháng 9/1979.

PV: Nguyên nhân nào khiến mưa lũ năm nay ở miền Trung xảy ra trầm trọng như vậy, và hiện tượng Lanina có tác động như thế nào khiến các hình thái gây mưa cùng lúc xuất hiện ở nước ta, thưa bà?

PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương: Nguyên nhân của đợt mưa lớn thời gian qua là do tổ hợp của nhiều hình thái thời tiết gây mưa. Thứ nhất là những tác động từ báo số 5, bão số 6 và hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trước khi có bão số 5 và số 6… Tất cả các hình thế này hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Trung bộ, kết hợp đới gió đông. Cùng với đó cũng chịu tác động liên hoàn của các đợt không khí lạnh, tổ hợp của dải hội tụ nhiệt đới. Hình thế không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới, gió đông kết hợp lại gây mưa lớn diện rộng ở Trung Bộ.

Các số liệu ghi nhận được cho thấy, La Nina vẫn sẽ là hình thái chi phối diễn biến thời tiết những tháng cuối năm 2020 và có khả năng kéo dài sang 2021. Chính vì vậy miền Trung sẽ vẫn tiếp tục phải đón mưa bão.

Theo đánh giá, trong trong điều kiện xảy ra La Nina, XTNĐ thường xảy ra nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão (tháng 9, 10, 11). Trong những năm La Nina, số cơn bão trên Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta nhiều hơn bình thường khoảng 28%. Mùa bão trong những năm La Nina kết thúc muộn hơn bình thường và kéo dài về cuối năm, tập trung nhiều ở các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ.

Ảnh hưởng của La Nina đến từng vùng sẽ khác nhau. Khu vực Trung và Nam Trung Bộ sẽ có các đợt mưa lớn dồn dập và kéo dài. Trong khi đó, Bắc bộ còn được dự báo sẽ có những cơn bão trái mùa, đợt mưa trái mùa. Ngay trong tháng 10 này miền Bắc có thể xuất hiện những cơn mưa cuối mùa. Các vùng khác như Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ cần lưu ý những cơn bão muộn.

Bên cạnh đó, Nam Bộ cũng cần chuẩn bị các phương án thích ứng với xâm nhập mặn bởi đang có những đánh giá nguy cơ có thể còn cao hơn so với năm 2019.

PV: Bà có cảnh báo gì đối với các địa phương trong bối cảnh mùa mưa bão năm nay có thể tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng lũ quét, sạt lở đang gia tăng?

PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương: Cảnh báo lũ quét và sạt lở đất là một vấn đề phức tạp và cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, để ứng phó và giảm thiểu tác động của lũ quét, sạt lở đất, người dân địa phương cũng như cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai cần phải chú ý đến các giải pháp. Đó chính là phải giữ được thảm phủ ở các vùng/lưu vực đặc biệt là vùng thượng lưu. Kế hoạch lâu dài là cần phát triển và gia tăng được hơn nữa rừng để giữ đất và giữ nước.

Việc xây dựng phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội (công trình hạ tầng, công trình khai thác nguồn nước và tài nguyên thảm phủ ở vùng thượng lưu, vùng núi) cần phải tránh tác động thô bạo đến tự nhiên.

Một giải pháp phi công trình hiệu quả, có tác động diện rộng và sớm, đó là đánh giá đưc hiện trạng và dự báo được xu thế biến đổi, cấp độ các thiên tai và rủi ro lũ, ngập, lũ quét và sạt lở đất. Đây là cơ sở để có những quyết định đúng đắn để giảm thiểu thiệt hại do lũ và ngập gây ra đối với dân cư, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội thì việc. Điều này giúp các chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai sẽ hiệu quả hơn.

Nhà nước cũng cần bổ sung mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn nói chung, đặc biệt là quan trắc các yếu tố tác động trực tiếp đến lũ quét và sạt lở đất. Đầu tư nâng cao chất lượng mô phỏng/dự báo mưa, lũ và cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt là tiếp tục cần nâng cao hiểu biết khoa học về thiên tai phức tạp lũ quét và sạt lở đất.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Khánh Ly (Thực hiện)