15.000 người dân miền Trung cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp

Xã hội - Ngày đăng : 10:59, 26/10/2020

(TN&MT) - Hiện có ít nhất 150.000 người dân các tỉnh miền Trung cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp trong 5-6 tháng tới, 110.000 người dễ bị tổn thương sẽ cần hỗ trợ để khôi phục các hoạt động sinh kế và sản xuất nông nghiệp…

Đó là những con số đánh giá nhanh lũ lụt miền Trung được Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai (GNRRTT) thông tin tại cuộc họp sáng 26/10, tại Hà Nội.

Từ ngày 20-23/10, 3 nhóm Đánh giá nhanh được thành lập để đánh giá thiệt hại và nhu cầu tại các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt: Nhóm 1 – Quảng Bình và Quảng Trị; Nhóm 2 – Thừa Thiên Huế; Nhóm 3 – Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Ít nhất 15.000 người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam – Đồng Chủ tịch Đối tác GNRRTT cho biết, từ ngày 6/10, mưa lớn do bão LINFA và NANGKA đã gây ra lũ lụt và sạt lở nghiêm trọng trên diện rộng. Trong đó, các tỉnh bị ảnh hưởng gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Để kịp thời ứng phó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã phối hợp các hoạt động cứu trợ khẩn cấp (sơ tán, tìm kiếm cứu nạn, cung cấp thực phẩm, đánh giá nhu cầu). Chính phủ đã đưa ra lời kêu gọi cứu trợ và  hỗ trợ khẩn cấp, huy động thêm sự phối hợp, hỗ trợ quốc tế.

Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai họp đánh giá nhanh lũ lụt miền Trung

Trên cơ sở đó, Đối tác GNRRTT đã có những hành động ứng phó đầu tiên. Trong đó, Trung tâm AHA đã hỗ trợ hơn 30 tấn hàng hoá đến các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ ít nhất 1200 thùng hàng gia đình và 500 hộp bột lọc nước P&G. WHO đã cung cấp 320.000 viên lọc nước (67mg) – Oassi cho 6 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

3 nhóm Đánh giá nhanh được thành lập để đánh giá thiệt hại và nhu cầu tại các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt. Các Nhóm đã triển khai đánh giá các nhu cầu thiết yếu về thực phẩm, nông nghiệp, sinh kế; nước sạch, vệ sinh; sức khoẻ, dinh dưỡng; bảo vệ, giới; nhà cửa và giáo dục.

Kết quả đánh giá nhanh cho thấy, ước tính có 7 triệu người sống trong các khu vực bị ảnh hường; trong đó 1.300.000 người chịu ảnh hưởng trực tiếp, 150.000 người dễ bị tổn thương từ trước. Người dân bị ảnh hưởng đang sống trong các nơi tránh trú tạm thời và trong các nhà/trung tâm sơ tán không được thiết kế để làm nhà tránh trú; sống trong các công trình/nhà ở dễ bị tổn thương. Những gia đình bị hư hỏng nhà cửa, nhà cửa bị ngập nước và đồ đạc gia đình bị thiệt hại, mất mát sẽ không thể quay trở lại cuộc sống bình thường hoàn toàn trong vòng 3-5 tuần tới.

Dự kiến sẽ có thêm cơn bão/áp thấp nhiệt đới từ giờ đến cuối tháng 10 ảnh hưởng trực tiếp khu vực miền Trung, điều này sẽ tiếp tục đẩy tình trạng khốn khổ của người nghèo đến đỉnh điểm.

Sở LĐTBXH tỉnh xác nhận rằng, mặc dù có chính sách hỗ trợ tài chính ngay lập tức để người dân có thể sửa chữa/ xây dựng lại những ngôi nhà bị hư hỏng nhưng ngân sách tỉnh đã cạn kiệt do tác động của dịch Covid-19.

Về an ninh lương thực và sinh kế, hiện có ít nhất 150.000 người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp trong 5-6 tháng tới (thời gian giáp hạt); 110.000 người dễ bị tổn thương sẽ cần hỗ trợ để khôi phục các hoạt động sinh kế/sản xuất nông nghiệp. Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cao đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo trong 6 tháng tới.

Các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ lụt. Ảnh: NP

Nhóm đánh giá cho rằng, hiện môi trường thực hiện chương trình cấp phát tiền mặt khá thuận lợi, các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp nên xem xét sử dụng tiền mặt để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng. Việc cấp phát gạo và các loại thực phẩm đang diễn ra chỉ đáp ứng được 10-20% nhu cầu lương thực hàng tháng của các hộ gia đình để đảm bảo an ninh lương thực.

“Nếu khả thi, nên xem xét tính việc thuê nhân công và trả lương/tiền công cho các công trình khắc phục hậu quả lũ lụt như dọn bùn rác, khôi phục đất nông nghiệp, cải tạo tưới tiêu… có thể mang lại thu nhập thêm cho các hộ dễ bị tổn thương ở địa phương”, Nhóm đánh giá kiến nghị.

Hỗ trợ giá nước sạch cho các gia đình bị ảnh hưởng

Liên quan vấn đề nước sạch và vệ sinh, nhóm đánh giá chỉ rõ, mưa lũ đã tác động nghiêm trọng đến nước sạch. Ở Quảng Nam, có 9 hệ thống cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng, 2 hệ thống nước của Trung tâm Y tế xã không hoạt động; trong khi bể nước tại nhà chống ngập quá nhỏ, chỉ đủ nước trong khoảng 1 ngày.

Còn tại Quảng ngãi, 5 hệ thống nước sinh hoạt bị hư hỏng và đã được cơ quan địa phương sửa chữa. Tại Hà Tĩnh, khoảng 8000 hộ không thể sử dụng nước giếng đào – nguồn nước chính cho sinh hoạt.

Trước thực trạng đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh hỗ trợ về giá nước sạch cho các hộ bị ảnh hưởng (2m3/người/tháng). Cần gấp dữ liệu đầy đủ về vệ sinh hộ gia đình và điều kiện vệ sinh tại các địa điểm công cộng. Khẩn cấp cung cấp 10.000 bồn nước với 1000m3 cho các hộ gia đình tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; 500.00 bộ lọc nước bằng gốm cho các hộ gia đình ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…

“Nên truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh cho cộng đồng và trường học để phòng ngừa và ứng phó với thiên tai, đặc biệt là cải thiện vệ sinh cá nhân trong và sau lũ lụt”, Nhóm đánh giá khuyến nghị.

Về lâu dài, Nhóm đánh giá đề nghị nâng cấp các công trình nước máy bị hỏng, đặc biệt ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Đồng thời, cải thiện, nâng cấp cơ sở vệ sinh cho trạm y tế, trường học; xây dựng các công cụ hướng dẫn đơn giản và hướng dẫn nhân viên y tế và cộng đồng xử lý và lưu trữ nước để ứng phó với bão lũ…

Dựa trên mức độ đánh giá thiệt hại (nặng nề hơn cả bão Damrey năm 2017) và nhu cầu, Đối tác GNRRTT cho rằng, cần lập kế hoạch ứng phó theo ngành bao gồm sự phối hợp của các bộ ngành liên quan, để nắm được các nhu cầu cấp thiết và các hoạt động ứng phó ưu tiên; lập kế hoạch ứng phó liên ngành. Ngoài ra, phân tích số liệu thứ cấp để nắm được nhu cầu của người dân khi phải tiếp tục hứng chịu ảnh hưởng của những trận bão sắp tới.

Tuyết Chinh