Delhi (Ấn Độ): Ca bệnh về hô hấp tăng vọt trong bối cảnh COVID-19 và ô nhiễm

Thế giới - Ngày đăng : 22:37, 24/10/2020

(TN&MT) - Các bác sĩ hàng đầu ở New Delhi (Ấn Độ) mới đây cho biết các vấn đề về hô hấp gia tăng tại thủ đô trong bối cảnh nước này chuẩn bị hứng chịu đợt ô nhiễm vào mùa cao điểm sắp tới ở thủ đô và gây ra lo ngại về các biến chứng cho bệnh nhân COVID-19.

Những người đàn ông đi bộ trước Cổng Ấn Độ bị bao phủ trong sương khói ở New Delhi vào ngày 26/12/2018. Ảnh: Reuters

Các bác sĩ từ 5 bệnh viện khác nhau ở Delhi nói với Reuters rằng họ đã tiếp nhận gấp đôi số bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản trong hai tuần qua.

Khói bụi bao trùm không khí Delhi vào mỗi mùa đông, khiến người lớn và trẻ em đều khó thở. Dẫn dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, Reuters cho biết chất lượng không khí trong tháng 10 này kém hơn so với cùng kỳ năm 2019 và 2018. Dhiren Gupta, một nhà nghiên cứu về phổi tại Bệnh viện Sir Ganga Ram ở thành phố New Delhi cho biết: “Các chất ô nhiễm và bệnh COVID-19 có tác động xấu và gây viêm phổi”.

Chưa có bất kỳ nghiên cứu nào ở Ấn Độ để xác định liệu ô nhiễm có dẫn đến các biến chứng nặng hơn ở những bệnh nhân nhiễm COVID-19 hay không. Tuy vậy, một nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan (Mỹ) đã phát hiện việc tiếp xúc lâu dài với hạt PM2.5 làm tăng nguy cơ tử vong do COVID-19.

Hema Gupta Mittal, bác sĩ nhi khoa cấp cao tại Bệnh viện Ram Manohar Lohia cho biết: “Bệnh viện đang tiếp nhận nhiều ca mắc các vấn đề về hô hấp hơn nhưng chúng tôi cũng phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho họ”.

Hồi đầu năm nay, sau khi chính phủ Ấn Độ áp dụng lệnh phong tỏa chặt chẽ trên toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát, New Delhi đã có một đợt không khí sạch kỷ lục, nhưng chất lượng không khí đã xấu đi trong hai tháng qua.

Vào tháng 10, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đạt mức trung bình là 227 – mức “kém” trên thang điểm 500, cao hơn nhiều so với giới hạn “an toàn” là 60. Chỉ số này đo nồng độ của các chất ô nhiễm có đường kính nhỏ hơn 2,5 micron có thể đi sâu vào phổi và gây ra các bệnh chết người bao gồm ung thư và các vấn đề về tim mạch.

Bộ trưởng Bộ Môi trường Ấn Độ Delhi Gopal Rai cho biết chính phủ đang nỗ lực để làm sạch không khí độc hại bằng cách hạn chế xây dựng và các hoạt động phát sinh bụi khác.

Mai Đan