Thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng khu phía Bắc mỏ Lèn Đứt Chân

Tài nguyên - Ngày đăng : 12:00, 24/10/2020

(TN&MT) - Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa tiến hành thẩm định đề án thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng khu vực phía Bắc mỏ Lèn Đứt Chân, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Theo đa số thành viên Hội đồng, đề án được thành lập phù hợp với các quy định pháp luật về khoáng sản.

Thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng. Ảnh minh họa

Đề án có mục tiêu nghiên cứu, làm rõ cấu trúc địa chất, điều kiện địa chất công trình – địa chất thủy văn trên diện tích thăm dò mỏ đá vôi Lèn Đứt Chân; tiến hành thi công các công trình thăm dò để đánh giá chất lượng, trữ lượng đá vôi nguyên liệu sản xuất xi măng, thỏa mãn yêu cầu công nghệ sản xuất xi măng của chủ đầu tư; mục tiêu tổng trữ lượng đá vôi Lèn Đứt Chân cấp 121+122 là 100 triệu tấn.

Theo ông Lê Thái Bình - đại diện Công ty CP tư vấn khảo sát thiết kế và xây dựng Mỏ địa chất, đơn vị thực hiện đề án, nội dung các công việc cần thực hiện bao gồm: Tiến hành đo vẽ mặt cắt địa hình; hiệu chỉnh bản đồ địa chất khu mỏ, kết hợp nghiên cứu địa chất thủy văn, địa chất công trình và điều kiện khai thác mỏ trên diện tích thăm dò; đưa các công trình thăm dò ra thực địa và ngược lại.

Ngoài ra, thi công công trình khoan thăm dò nhằm lấy mẫu rãnh theo tuyến, khống chế thân đá vôi, kết hợp lấy các loại mẫu để đánh giá chất lượng và trữ lượng đá vôi nguyên liệu sản xuất xi măng; khoanh nối, tính toán các cấp trữ lượng 121, 122 và tài nguyên 333.

Về đặc điểm địa chất thủy văn, theo báo cáo kết quả thăm dò mỏ đá vôi Lèn Đứt Chân và địa hình tự nhiên khu vực, cao độ mỏ đá vôi được tính đến cote +20m, cao hơn cote xâm thực của địa phương, do đó khi khai thác mỏ không có nguồn nước ngầm và nước từ các sông suối chảy vào mỏ. Nguồn nước chảy vào khu khai thác là nước mưa nhưng do địa hình mỏ là các núi đá vôi, sườn núi dốc, có nhiều hang hốc karst nên nước mưa được thoát tự nhiên, chảy xuống các thung lũng dưới chân núi.

Ông Lê Thái Bình cho rằng công tác thăm dò đá vôi trong khu vực gồm có lộ trình địa chất, khoan thăm dò và lấy mẫu các loại ở sườn tầng, bờ moong, mặt bằng đã khai thác và địa hình tự nhiên, sẽ tác động phần nào đến môi trường sinh thái của khu vực. Do đó, trong quá trình thi công đề án, phải chú trọng bảo vệ môi trường.

Ông Lê Thái Bình - đại diện Công ty CP tư vấn khảo sát thiết kế và xây dựng Mỏ địa chất phát biểu

Đại diện này cho biết các dạng công tác của đề án có thể gây ảnh hưởng đến môi trường và mất an toàn gồm: Thi công các công trình khoan, sẽ nguy hiểm khi khoảng cách an toàn tại các lỗ khoan đặt tại chân ta luy và mép tầng không đảm bảo; thi công các công trình khoan máy phải dọn đường, làm nền khoan sẽ ảnh hưởng đến lở đất, đá, chặt ngả cây cối (khu vực địa hình tự nhiên của các khối tài nguyên 333).; dầu mỡ của máy khoan khi hoạt động có thể gây ô nhiễm môi trường nước, đất, rừng.

Ngoài các dạng công tác trên, các dạng công tác khác của đề án hầu như không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Vì vậy, trong quá trình thi công đề án, tập thể đơn vị thi công phải có trách nhiệm với cộng đồng bảo vệ môi trường và khắc phục hậu quả do công tác thăm dò gây ra.

Nhằm bảo vệ tài nguyên khu vực thăm dò, ông Lê Thái Bình đề xuất trong quá trình thi công các dạng công tác khác cần phải bảo vệ nguồn nước; thường xuyên nhắc nhở cán bộ, công nhân viên bảo vệ môi trường, phải giữ gìn bí mật tài liệu địa chất, nhất là tài liệu về khoáng sản; các công trình thi công xong phải được lấp cẩn thận; nhắc nhở, kiểm tra cán bộ, công nhân thi công đề án luôn có ý thức, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong khu thăm dò.

Ngoài ra, trong quá trình thăm dò nếu phát hiện khoáng sản quý hiếm hoặc khoáng sản có giá trị kinh tế cao, phải báo cáo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo đánh giá của Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, hệ phương pháp thăm dò, khối lượng công tác thăm dò của đề án cơ bản phù hợp để đánh giá chất lượng, trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng và làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu thăm dò theo mục tiêu đề ra.

Trước đó, vào tháng 9/2020, TS. Trần Mỹ Dũng – Vụ trưởng Vụ Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) nhận định: Đề án được các tác giả xây dựng nghiêm túc, có hình thức và nội dung đáp ứng yêu cầu của công tác thăm dò khoáng sản đá vôi xi măng. Cơ sở tài liệu, các phương pháp và khối lượng thiết kế cơ bản đáp ứng yêu cầu. Mục tiêu trữ lượng có tính khả thi.

Trên cơ sở những nhận xét trên, tập thể tác giả đang chỉnh sửa, hoàn thiện đề án để trình Hội đồng xem xét thông qua.

Mai Đan