Quốc hội nghe báo cáo giải trình tiếp thu về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Thời sự - Ngày đăng : 11:56, 24/10/2020

(TN&MT) - Phân loại dự án đầu tư có tác động đến môi trường, thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), phương án dùng giấy phép môi trường… là những vấn đề chính còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Sáng 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Phân loại dự án theo tiêu chí môi trường

Trình bày báo cáo những vấn đề lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy việc căn cứ quy mô, tính chất và mức độ tác động đến môi trường để phân loại dự án phải thực hiện thủ tục môi trường nói chung là phù hợp. UBTVQH đã chỉnh sửa Dự thảo Luật theo 2 phương án, đồng thời các điều luật liên quan tương ứng cũng được chỉnh sửa theo.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng. Ảnh: Quốc Khánh

Cụ thể, theo phương án 1 (Điều 29a) đã quy định về phân loại dự án đầu tư thành 4 nhóm, gồm: Dự án đầu tư phải thực hiện ĐTM và phải có GPMT; Dự án đầu tư chỉ phải thực hiện ĐTM và không phải có GPMT; Dự án đầu tư không phải thực hiện ĐTM nhưng phải có GPMT; Dự án không phải thực hiện ĐTM và không phải có GPMT.

Phương án trên có ưu điểm là thuận tiện trong việc tra cứu đối tượng dự án tương ứng với các thủ tục môi trường phải thực hiện. Tuy nhiên, lại không áp dụng được các tiêu chí môi trường xuyên suốt để quản lý môi trường trong các dự án đầu tư; không bảo đảm linh hoạt trong việc điều chỉnh danh mục đối tượng phải thực hiện ĐTM, GPMT.

Đối với phương án 2 (Điều 29b) tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), quy định rõ tiêu chí phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường. Đồng thời, dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm gồm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ và không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Theo phương án này, giao Chính phủ căn cứ quy định của khoản 1, khoản 2 Điều này để quy định tiêu chí cụ thể và ban hành danh mục dự án thuộc các nhóm I, II và III. Nhờ đó, sử dụng thống nhất, xuyên suốt các tiêu chí môi trường trong xác định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường; đánh giá tác động môi trường (ĐTM); giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.

Về tiêu chí yếu tố nhạy cảm về môi trường nơi thực hiện dự án, UBTVQH tiếp thu và đã quy định rõ hơn tiêu chí này nhằm đề cập tầm quan trọng của đối tượng bị tác động của dự án, vị trí của dự án đối với vùng nhạy cảm môi trường tại điểm c khoản 1 Điều 29b. Quy định này cũng là cơ sở để giao Chính phủ ban hành tiêu chí cụ thể và danh mục dự án thuộc các nhóm I, II và III.

Về đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường cho phù hợp với với Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Xây dựng; Dự thảo Luật cũng trình 2 phương án: tất cả các dự án đầu tư phải có chủ trương đầu tư đều là đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường; chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Vấn đề này, đa số Đoàn ĐBQH (39/50 Đoàn) có ý kiến đề nghị thực hiện theo phương án phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường quy định tại Điều 29b Dự thảo Luật.

Giao thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM

Liên quan vấn đề thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng trình ĐBQH 2 phương án. Theo đó, Tờ trình số 252/TTr-CP của Chính phủ giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình nhằm phát huy vai trò, năng lực, nguồn lực của các Bộ chuyên ngành, thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông.

Đoàn Chủ toạ Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khoá XIV sáng ngày 24/10/2020 - Ảnh: Quốc Khánh

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều Đoàn ĐBQH, sẽ giao cho UBND cấp tỉnh phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) trên địa bàn. Kết quả xin ý kiến cho thấy, đa số các Đoàn ĐBQH (40/50 Đoàn có ý kiến) đề nghị thực hiện theo Phương án này.

“Việc giao UBND cấp tỉnh thẩm định sẽ nắm rõ mức độ tác động của dự án đến môi trường, kinh tế - xã hội tại địa phương và thống nhất với thẩm quyền, trách nhiệm quản lý xuyên suốt tại địa phương từ thẩm định kết quả báo cáo ĐTM, cấp GPMT, kiểm tra, thanh tra về BVMT của dự án, cơ sở”, báo cáo nêu rõ.

Liên quan đến giấy phép môi trường, Dự thảo Luật trình 2 phương án. Trong đó, một là chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của Luật BVMT năm 2014, Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước.

Về việc dùng một loại giấy phép, trong đó có cả Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, Chính phủ cho rằng, sẽ giải quyết được tình trạng một đối tượng là nước thải xả thải ra môi trường phải chịu sự quản lý của hai loại giấy tờ thủ tục hành chính do các cơ quan về quản lý khác nhau thực hiện; bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; giảm đầu mối trong quản lý.

Tuy nhiên thực hiện phương án này phải sửa đổi, bổ sung 2 khoản của Điều 44 (điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 44) và bãi bỏ Điều 58 của Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 như tại Điều 173; đồng thời có quy định chuyển tiếp về giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi như tại Điều 174 của Dự thảo Luật và phải phân định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi và cơ quan quản lý vận hành và chịu trách nhiệm về chất lượng nước của công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Theo phương án 2, vẫn có giấy phép “xả nước thải vào công trình thủy lợi” theo quy định của Luật Thủy lợi được Quốc hội thông qua năm 2017 và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi. Việc có Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi sẽ phân định rõ trách nhiệm của ngành NN&PTNT đảm bảo chất lượng nguồn nước thủy lợi. Cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi sẽ bảo đảm việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi, bảo vệ chất lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Một số ý kiến cho rằng nếu dùng một loại giấy phép, trong đó có cả Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi thì phải sửa tới 13 điều của Luật Thủy lợi và có làm quản lý thủy lợi tốt hơn không thì vẫn là vấn đề ở phía trước.

Tuyết Chinh - Khương Trung