Dự báo mưa lũ đã bám sát thực tiễn

Môi trường - Ngày đăng : 18:07, 23/10/2020

(TN&MT) - Theo Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, trong đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua, các mô hình dự báo hiện nay đã dự báo tương đối tốt về xu thế và lượng mưa so với thực tế quan trắc tại một số trạm xảy ra mưa lớn điển hình, tuy nhiên có xu hướng dự báo lượng mưa thiên về thấp hơn thực tế.

Mưa lớn nhiều ngày liên tiếp khiến người dân miền Trung khốn đốn

Trước đó, từ ngày 5 – 16/10, nước ta đã chịu ảnh hưởng liên tiếp của 1 vùng thấp và 3 xoáy thuận nhiệt đới. Trong đó, Viện Khoa học KTTV&BĐKH nhận định, bão số 6 và số 7 đều không phải là cơn bão mạnh, khi đi sát vào vùng ven biển đều suy yếu nhanh.

Mặc dù vậy, từ ngày 6 đến nhết ngày 20/10, khu vực miền Trung nước ta đã có mưa lớn, mưa đặc biệt lớn. Nguyên nhân do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, cộng với ảnh hưởng liên tiếp của vùng thấp, áp thấp nhiệt đới, bão số 6 và bão số 7.

Theo báo cáo của Viện Khoa học KTTV&BĐKH, khu vực có mưa to điển hình là từ tỉnh Hà Tĩnh đến Tỉnh Quãng Ngãi, với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 800 – 1.000 mm. Nhiều nơi trên 1.000 mm như Lý Sơn, Tam Kỳ, Trà My, Đà Nẵng, Tuyên Hóa, Ba Đồn, Đồng Hới, Khe Sanh, Đông Hà, Hà TĨnh. Một số nơi trên 2.000 mm như tại A Lưới, Nam Đông, Huế.

Mưa lớn cao điểm tập trung từ ngày 7 – 11/10 tại các tỉnh Trung Trung Bộ và từ ngày 18 – 20/10 đối với khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt là tỉnh Hà Tĩnh.

Kết quả dự báo tổng lượng mưa từ ngày 6 - 20/10 tại một số trạm mưa lớn điển hình. Cột bên trái thể hiện lượng mưa quan trắc, cột bên phải thể hiện lượng mưa dự báo

Suốt những ngày diễn ra mưa lớn, Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã triển khai công tác phối hợp dự báo đầy đủ cho các xoáy thuận nhiệt đới và nghiêm túc vận hành chế độ trực nghiệp vụ mưa lớn. Nhìn chung, sai số trung bình về vị trí tâm bão ở các hạn dự báo đều nhỏ hơn so với sai số trung bình của các Trung tâm dự báo trên thế giới và theo quy định của Bộ TN&MT. Cụ thể, sai số vị trí tâm nhỏ hơn 150 km đối với hạn dự báo 24 giờ; 250 km đối với hạn dự báo 48 giờ và 400 km đối với hạn dự báo 72 giờ.

Kết quả dự báo mưa theo mô hình tương đối sát với xu thế và lượng mưa quan trắc được tại một số trạm mưa lớn điển hình, tuy nhiên, có xu hướng dự báo lượng mưa thiên về thấp hơn so với thực tế. Viện cũng đã phát đi 4 bản tin cảnh báo lũ quét mỗi ngày, cung cấp thông tin về nguy cơ cao và trung bình với phạm vi cảnh báo đến cấp huyện. Trong khoảng thời gian này, 4 buổi thảo luận trực tuyến giữa Viện, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, các Đài KTTV khu vực và các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV đã diễn ra liên quan đến công tác dự báo bão, mưa lớn và lũ quét.

Rút kinh nghiệm từ công tác dự báo mưa lũ khu vực miền Trung vừa qua, Viện cho rằng các đơn vị dự báo cần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Bộ TN&MT và Ban chỉ huy PCTT&TKCN của Bộ; nghiêm túc thực hiện các quy định về phối hợp về dự báo, cảnh báo khí tượng; đặc biệt là theo dõi chặt chẽ diễn biến cũng như cảnh báo sớm các nguy cơ thiên tai có nguồn gốc KTTV như bão, lũ, lũ quét, rủi ro đa thiên tai. Bên cạnh đó, Nhà nước và Bộ TN&MT cần quan tâm đầu tư hơn nữa phục vụ công tác hiện đại hóa ngành KTTV nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo sớm các nguy cơ thiên tai có nguồn gốc KTTV, thực hiện tốt công tác phòng chống và giảm nhẹ rủi ro.

Khánh Ly