Châu Âu ghi nhận ca nhiễm tăng gấp đôi trong 10 ngày

Thế giới - Ngày đăng : 11:08, 23/10/2020

(TN&MT) - Theo thống kê của Reuters, số ca nhiễm COVID-19 ở châu Âu đã tăng hơn gấp đôi trong 10 ngày, tăng vọt đến hơn 200.000. Trong đó nhiều quốc gia Nam Âu ghi nhận số ca mắc trong một ngày cao nhất trong tuần này.

Mọi người ngồi tại một quán cà phê trong bối cảnh vùng Lombardy thực thi lệnh giới nghiêm sau khi bị ảnh hưởng bởi COVID-19, ở Milan, Ý vào ngày 22/10/2020. Ảnh: Reuters

Châu Âu lần đầu tiên công bố 100.000 ca nhiễm hàng ngày vào ngày 12/10. Cho đến nay, châu Âu hiện có khoảng 7,8 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 và khoảng 247.000 ca tử vong. Trong đó, các nước châu Âu như Ý, Áo, Croatia, Slovenia và Bosnia đã xác nhận số ca nhiễm COVID-19 trong một ngày cao nhất vào 22/10.

Châu Âu là một khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm hàng ngày hơn Ấn Độ, Brazil và Mỹ cộng lại. Sự gia tăng một phần là do xét nghiệm nhiều hơn so với đợt xét nghiệm trước đó trong làn sóng đầu tiên của đại dịch.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu khoảng 41,4 triệu và khoảng 1,1 triệu ca tử vong. Theo thống kê của Reuters, ngày 21/10, toàn cầu chứng kiến tổng số ca nhiễm hàng ngày cao nhất, với 422.835 ca. Tính đến nay, châu Âu chiếm gần 19% số ca nhiễm và khoảng 22% ca tử vong toàn cầu.

“Tại Tây Âu, Pháp - quốc gia có số ca mắc mới cao nhất trong 7 ngày, với 25.480 ca nhiễm mỗi ngày - đã xác nhận ca nhiễm hàng ngày cao nhất, 41.622 ca vào ngày 22/10”, giới chức y tế Pháp cho biết.

Để làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 22/10 đã tuyên bố mở rộng lệnh giới nghiêm do COVID-19 trong phạm vi hai phần ba dân số.

Dữ liệu do Viện Y tế Quốc gia Hà Lan (RIVM) công bố ngày 22/10 cho biết quốc gia Tây Âu này đã xác nhận hơn 9.000 ca nhiễm trong 24 giờ - mức cao kỷ lục. Cùng ngày, Đức, nơi lần đầu tiên có hơn 10.000 ca nhiễm hàng ngày, đã mở rộng cảnh báo du lịch cho Thụy Sĩ, Ireland, Ba Lan, hầu hết các khu vực của Áo và Ý, bao gồm Rome.

Các bệnh viện trên khắp châu Âu vẫn đang trong tình trạng căng thẳng. Mặc dù thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng COVID-19 vào 6 tháng trước trong khu vực nhưng tỷ lệ mắc COVID-19 nhập viện và làm quá tải bệnh viện đang tăng trở lại.

Một chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cho biết châu Âu và Bắc Mỹ nên học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia châu Á bằng cách kiên trì với các biện pháp chống COVID-19 và cách ly bất kỳ ai tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.

Mai Đan