Sẵn sàng xây dựng thị trường các-bon ở Việt Nam
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 21:11, 22/10/2020
Đây là một trong những hoạt động của Dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các bon tại Việt Nam” (Dự án VNPMR), nhằm giới thiệu và cập nhật các kết quả chính về công cụ định giá các bon và tác động đối với chính sách xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - Giám đốc Dự án VNPMR phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Giám đốc Dự án VNPMR cho biết: Ứng phó BĐKH toàn cầu sắp bước sang giai đoạn mới với việc các bên bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Paris kể từ năm 2021 trở đi. Trong đó, bao gồm đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính được cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Việt Nam vừa hoàn thành NDC cập nhật và đã gửi cho ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc vềBĐKH. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2. Mức đóng góp giảm nhẹ sẽ tăng lên 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 khi nhận được hỗ trợ quốc tế.
Tuy mức đóng góp bằng nguồn lực trong nước tăng 1% nhưng giảm lượng phát thải gần bằng 35% của tổng mức đóng góp giảm phát thải trong NDC năm 2015. Nếu có hỗ trợ quốc tế, mức đóng góp tăng 2% nhưng giảm lượng phát thải tăng thêm 52,6 triệu tấn, chiếm gần bằng tổng lượng giảm phát thải do do quốc gia tự thực hiện trong NDC đầu tiên.
“Việt Nam là một trong số ít các nước tăng mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải trong NDC cập nhật. Đây có thể nói là nỗ lực rất lớn của Việt Nam nhằm chung tay với cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH, được Ban thư ký Công ước, Tổ chức Đối tác thực hiện NDC đánh giá cao”, ông Quang cho biết.
Đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư chia sẻ về tiềm năng áp dụng công cụ định giá các-bon tại Việt Nam |
Trong giai đoạn tới, định giá các-bon là một trong những phương thức để đạt được các mục tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC. Bộ TN&MT đã đề xuất một điều về thị trường các-bon trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi trình quốc hội. Dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp lần thứ 10 vừa khai mạc hôm 20/10/2020.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nội dung về tiến độ và kết quả của Dự án VNPMR, tiềm năng áp dụng công cụ định giá các-bon tại Việt Nam; các hoạt động thúc đẩy định giá các bon và vai trò tiềm năng của khối tư nhân. Đại diện Bộ Tài chính trình bày về định hướng xây dựng cơ chế tài chính đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hướng tới áp dụng công cụ định giá các bon ở Việt Nam. Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng có những chia sẻ về tiềm năng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất thép và chất thải rắn. Chuyên gia của dự án có bài trình bày về Xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định đáp ứng yêu cầu của UNFCCC và hỗ trợ thực hiện các công cụ định giá các-bon.
Theo Cục Biến đổi khí hậu, qua 5 năm triển khai, dự án đã cơ bản hoàn thành với những đóng góp quan trọng từ các nghiên cứu thí điểm tại một số ngành như sản xuất thép, quản lý chất thải rắn. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để Việt Nam tiến tới hình thành và phát triển thị trường các-bon trong nước cũng như tham gia thị trường các-bon thế giới.
Các nghiên cứu trong khuôn khổ Dự án cho thấy cần có đầu tư thích đáng vào hệ thống thu thập, quản lý dữ liệu về kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải. Việc huy động nguồn vốn đầu tư để tham gia thị trường các-bon cần được thực hiện trên cơ sở nội lực của doanh nghiệp đồng hành với chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thực hiện theo lộ trình cụ thể. Thông qua quá trình thực hiện, Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan đầu mối của các Bộ, ngành, khối doanh nghiệp và các bên liên quan về định giá các-bon, thị trường các-bon.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Thảo luận tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng và vận hành thị trường các-bon còn là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính. Do vậy, để hình thành và phát triển thị trường các bon ở Việt Nam, một số nội dung ưu tiên cần tiếp tục được triển khai đồng bộ như xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống MRV cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành/tiểu ngành…
Khi áp dụng dụng các công cụ định giá các bon như thuế các bon, hệ thống giao dịch phát thải, cơ chế tạo tín chỉ cần phải đánh giá, phân tích đầy đủ các tác động cũng như cơ hội đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Từ đó, lựa chọn công cụ định giá các bon phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.