Khơi thông sông Cổ Cò, phát triển KTXH vùng đô thị xứ Quảng - Kỳ 1: Vai trò và giá trị lịch sử của sông Cổ Cò

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 18:50, 22/10/2020

(TN&MT) - Được biết đến với cái tên Lộ Cảnh Giang, sông Cổ Cò là con sông nổi tiếng trong lịch sử giao thương của xứ Đàng Trong trước đây, nối liền Đà Nẵng (Touranne) với Hội An (Faifo) trong giai đoạn thế kỷ XVI đến XVIII. Cuối thế kỷ XIX, sông Cổ Cò bị bồi lấp, gãy đứt thành nhiều đoạn, do vậy việc thông thương giữa hai đô thị gặp nhiều khó khăn. Việc khơi thông sông Cổ Cò đang được chính quyền TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam triển khai sẽ tạo động lực phát triển KT – XH vùng đô thị xứ Quảng.

Bản đồ của Le Floch de la Carrière miêu tả sông Cổ Cò với cái tên “Bras de Mer de Touranne a Fayfo” chỉ rõ dòng sông nối từ Đà Nẵng (gọi là Touranne) với Hội An (gọi là Faifo). Nguồn: Le Floch de la Carrière

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi rằng, Lộ Cảnh Giang (sông Cổ Cò) nằm ở vùng dưới hai huyện Diên Phước và Hòa Vang. Sông này từ xã Thanh Châu chảy theo hướng bắc, đến phía tây núi Tam Thai (tức Non Nước ngày nay) nhập với sông Cẩm Lệ.

Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định, ghi chép một cách tường tận về hệ thống giao thông đường bộ lẫn đường thủy của nước ta vào đầu thế kỷ XIX cũng cho biết: “Chảy theo hướng nam 862 tầm thì đến cửa biển Đại Chiêm, ra hướng bắc 6.558 tầm thì đến kênh Cổ Cò rồi cùng chảy ra cửa biển Đà Nẵng”.

Đặc biệt, tấm bản đồ cổ vẽ vịnh Đà Nẵng và bờ biển miền Trung kỳ, do đại úy hải quân La Floche de la Carrière vẽ bằng tay rất cẩn thận, điểm xuyết thêm bằng màu, in ở Lorient (Pháp) ngày 4.6.1787, đã thể hiện những loại thuyền bè khác nhau của thời đó như thuyền chiến, thuyền đi dạo dành cho công chúa, thuyền kiểu nửa thuyền chiến dùng để lính thợ và để tập trận thông thường, thuyền đi biển, thuyền chài. Trong phần chú dẫn, tác giả cho biết từ sông Faifo (Hội An) muốn đi thuyền đến sông Vua (sông Hương) ở Huế thì theo thủy trình sau: “Thuyền từ sông Faifo đi ra Cửa Đại, theo đường biển đi lên phía bắc, ngang qua Cap Nord (mũi Touranne - Đà Nẵng), mỏm đất xa nhất về phía bắc của vịnh Touranne; tiếp tục đi thuyền đến một cửa sông (cửa Tư Hiền) để vào Lac de Coua (đầm Cầu Hai). Từ đây dong thuyền đi dọc theo đầm nước này lên phía bắc, xuyên qua các con kênh thiên nhiên (vùng đầm phá) để vào cửa sông Vua phía hạ lưu. Từ đó đi ngược lên sẽ gặp vương phủ của chúa Nguyễn”. Trên bản đồ đã cho chúng ta thấy rõ con đường nước nối liền Đà Nẵng và Hội An chính là sông Cổ Cò vậy.

Sông Cổ Cò như một tuyến đường thủy nối thương cảng Hội An với tiền cảng Đà Nẵng. Trong “Hải ngoại ký sự” được viết nhân chuyến thăm tới Đàng Trong năm 1695, nhà sư Thích Đại Sán ghi lại trong một lần đáp thuyền từ cửa biển Đà Nẵng vào sông Cổ Cò để đến Hội An: “Chợp ngủ trên thuyền chừng nửa giờ, đã thấy phương Đông sáng bạch. Khoác áo choàng ngồi dậy, thấy sóng yên nước lặng, té ra thuyền đã đến vũng (Vũng Thùng - Đà Nẵng), ở trong vòng núi bao quanh. Dọc bờ biển, đá lèn lởm chởm, trên cây vượn trắng nhảy nhót từng bầy; trái đồi hoa núi, xanh đỏ sum sê. Xa trông cách bờ, cột buồm lô nhô như rừng rậm. Khi hỏi ra mới biết đó là đoàn thuyền chở lương, đậu chờ gió tại cửa Hội An vậy… Chuyển thuyền ra mũi cát, một chốc đã đến chỗ thuyền lương đậu, neo lại. Hai bên bờ, nhà cửa đông đúc, người đi đường xôn xao, kẻ gánh người gồng, người ta đã đi chợ sáng”. Nói thế để thấy rằng, từ xa xưa, Cổ Cò là một con sông đẹp, có vị thế chiến lược về thương mại, du lịch, thủy lộ chính để nối liền Đà Nẵng với Hội An.

Cuối thế kỷ XVIII, John Barrow đến vùng biển Đà Nẵng. Trong cuốn “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793), ông viết: “Bức tranh in phụ bản sẽ cho ta một ý niệm tương đối chính xác về các tàu thuyền của người Đàng Trong thường qua lại nhánh sông Faifo để vào vịnh Đà Nẵng”. Như vậy, con sông Faifo như ông nói ở trên chính là sông Cổ Cò nối liền Đà Nẵng và Hội An.

Trong nhật ký Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793), ông đã nhận xét về vị thế của vịnh Đà Nẵng: “Vịnh Han-san [Hàn Sơn], hay thường được ghi dấu trên các tấm hải đồ là Turon [Đà Nẵng], mà về mặt an toàn và thuận tiện, ít có vịnh nào trên thế giới ở phương Tây sánh được bằng nó, và chắc rằng không có vịnh nào vượt trội hơn nó. Nó nằm ở vĩ độ 16độ7’ Bắc”.

Sông Cổ Cò từng là con sông nổi tiếng trong lịch sử giao thương của xứ Đàng Trong trước đây, nối liền Đà Nẵng với Hội An

Cũng theo John Barrow, Đà Nẵng là một cảng biển lý tưởng cho các mặt cả về kinh tế lẫn chính trị, quân sự. Ngoài ra, tác giả còn phân tích một cách thuyết phục về vị trí chiến lược của Đà Nẵng với các tuyến giao thương ở biển Đông.

Đến năm 1835, khi vua Minh Mạng có dụ: “Tàu Tây chỉ được đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán” thì Đà Nẵng lúc này trở thành một thương cảng lớn, tiếp đón tàu thuyền của các quốc gia trên thế giới đến neo đậu và trao đổi hàng hóa. Vì vậy, đã thúc đẩy các ngành sửa chữa tàu thuyền, sơ chế nông lâm hải sản, dịch vụ thương mại,... ở Đà Nẵng phát triển.

Từ giữa thế kỷ XVI, Hội An do nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, trên con đường hương liệu và gốm sứ trên biển nên sớm trở thành một trong những thương cảng sầm uất của xứ Đàng Trong. Thương thuyền trong nước và quốc tế đã tìm đến để giao thương buôn bán.       

Thế kỷ XVII được xem là giai đoạn cực thịnh của cảng thị Hội An. Năm 1618, Giáo sĩ dòng Tên người Ý là Cristophoro Borri đến xứ Đàng Trong truyền giáo, ông đã ở lại đây cho đến năm 1622, trong nhật ký của mình, ông đã viết khá rõ về cảng thị Hội An thời bấy giờ: “Thành phố ấy gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ có thể nói là có đến hai thành phố, một phố của người Tàu, một phố của người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu, người Nhật cũng vậy”.

Ông cũng mô tả những con đường dẫn thuyền buôn vào cảng thị này: “Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam (Hội An). Người ta cập bến bằng hai cửa biển: một gọi là Turon (Đà Nẵng) và một gọi là Pulluciambello (Hội An). Các cửa biển cách nhau chừng ba hay bốn dặm, kế đó biển chia thành hai nhánh đi sâu vào đất liền chừng bảy hay tám dặm, làm thành như hai con sông luôn tách rời nhau để rồi cuối cùng gặp nhau và đổ vào một con sông lớn. Tàu bè từ hai phía tới cũng đi vào con sông này”.

Sự trù phú và thịnh vượng của thương cảng Hội An cũng được sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại: “Phố Hội An ở hai bên bờ sông lớn phía nam hai xã Hội An và Minh Hương, huyện Diên Phước, nhà ngói san sát kéo dài độ hai dặm, người Thanh cư trú, có năm bang: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Gia Ứng đều buôn bán hàng thuốc Bắc, trong có đình chợ, hội quán, khách buôn tụ tập. Phía nam có đầm Trà Nhiêu làm chỗ cho ghe thuyền Nam Bắc đến đậu, cũng là chỗ đại đô hội”.

Khơi thông sông Cổ Cò được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng

Cho đến thế kỷ XVIII, vai trò của cảng thị Hội An vẫn còn khá quan trọng. Đây là nơi tập trung các nguồn hàng từ miền xuôi đến, từ miền ngược, từ Bắc vào Nam, từ các quốc gia trên thế giới hội tụ về và cũng là nơi xuất đi một khối lượng hàng hóa lớn. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục cho biết: “Những hóa vật được sản xuất từ các phủ Thăng hoa, Điện bàn, Quy nhân, Quảng nghĩa, Bình khang cùng dinh sở Nha trang, chỗ thì người ta chuyên chở hàng hóa bằng thuyền theo đường thủy, hay chở bằng ngựa theo đường bộ, đều đổ xô dồn về phố cổ Hội An cả. Ở nơi đây, vì các khách buôn Trung Quốc đều tới mua hàng đưa về Tàu, nên buổi trước hàng hóa rất nhiều, dẫu có 100 chiếc thuyền lớn chuyên chở hàng hóa trong một lúc cũng không thể chở hết được”. 

Như vậy, Hội An như một điểm dừng chân, một nơi tập kết và trung chuyển hàng hóa mà Đà Nẵng là cái cổng để thương thuyền vào ra.

Theo phúc trình hàng năm của Chambre consultative mixte de commerce et d’agriculture de l’Annam (Phòng tư vấn hỗn hợp thương mãi và canh nông Trung kỳ) đọc trước Hội đồng Tối cao Đông Dương vào tháng 11.1902, thì cho đến cuối thế kỷ XIX, khoảng 1891, người ta vẫn còn đi lại dễ dàng trên con sông nối liền giữa Đà Nẵng và Hội An bằng các xà-lúp thương mại (Cheloupe de commerce). Nhưng chỉ một thời gian sau, dòng sông Cổ Cò nối giữa Đà Nẵng với Hội An bị bồi lấp, đến nỗi những thuyền đáy sâu 30cm cũng phải chờ thủy triều lên cao mới tới được Đà Nẵng. Điều này được thể hiện khá rõ trên bản đồ quân sự của Pháp vẽ tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ 1/100.000 cho thấy khoảng giữa Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và sông Đế Võng (Hội An), chạy dọc theo bờ biển có một con sông lớn, nay đã bị vùi lấp và biến thành đồng ruộng giữa vùng cát trắng mênh mông với những hồ nước là dấu tích của những đoạn sông chưa bị lấp hết.

Đến những năm đầu của thế kỷ XX, những trận lụt lớn đã liên tiếp xảy ra, làm cho sông Cổ Cò bị vùi lấp ngày càng nhiều, mà lúc bấy giờ người Pháp lại chưa có phương tiện để nạo vét, do đó ghe thuyền không còn đi lại dễ dàng trên sông Cổ Cò như trước. Mãi cho đến những năm 40 của thế kỷ XX, do sự bồi lấp của sông Cổ Cò lẫn sông Trường Giang nên tàu buôn quốc tế không còn cập bến Hội An. Do đó, thương cảng này chỉ là nơi tới lui của thuyền buôn trong nước.

Các quy hoạch của Đà Nẵng và Quảng Nam đều đề cập đến việc nạo vét khơi thông con sông Cổ Cò lịch sử này. Năm 2004-2005, TP. Đà Nẵng còn lập quy hoạch chi tiết bình đồ tuyến sông với bề rộng 80 đến 120m. Trong bản Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng thực hiện năm 2002 và trong Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2050 thực hiện năm 2013, vai trò của tuyến sông Cổ Cò được khẳng định và đề cao. 

Về phía tỉnh Quảng Nam, trong Quy hoạch chung khu đô thị mới Điện Bàn đến năm 2020 tầm nhìn 2030 ghi nhận vai trò của dòng sông này. Ở cực phía Nam của dòng sông, trong định hướng quy hoạch chung thành phố Hội An đến năm 2030, sông Cổ Cò được ghi nhận là dòng sông quan trọng về môi trường và tuyến giao thông đường thủy kết nối toàn bộ vùng Tây Bắc thành phố.

Năm 2019, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã tiếp cận được các nguồn vốn để thực hiện chủ trương khơi thông sông Cổ Cò.

Với quyết tâm của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, hy vọng sông Cổ Cò sẽ sớm được khơi thông, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội hai địa phương và hình thành chuỗi đô thị mới ven sông Cổ Cò.

Thanh Hải – Lan Anh