Hiệu quả với mô hình “Biến rác thành tiền”

Môi trường - Ngày đăng : 18:49, 22/10/2020

(TN&MT) - Trong 5 năm qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh Quảng Ninh đã triển khai một cách linh hoạt, sáng tạo nội dung tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên và nhân dân nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường, với các mô hình thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống

Qua 5 năm triển khai, các cấp Hội đã tổ chức 225 cuộc truyền thông về bảo vệ môi trường với hơn 9 nghìn lượt người tham gia hưởng ứng. Hội LHPN các cấp đã phát 5 nghìn tờ rơi, 2 nghìn cuốn sổ tay hướng dẫn phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình. Đặc biệt, hiện nay đội ngũ cán bộ Hội thường xuyên sử dụng trang mạng xã hội, zalo, facebook để trao đổi, chia sẻ thông tin, học tập kinh nghiệm về các mô hình hay, việc làm sáng tạo, nêu gương điển hình để áp dụng vào mỗi cơ sở mang lại hiệu quả cao.

Gian hàng bày bán các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa của Hội LHPN TP.Hạ Long tại Hội chợ OCOP vừa diễn ra.

Một trong những mô hình được Hội LHPN các cấp trong tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện nhiều năm liên tục, đạt hiệu quả cao, đó là mô hình “Biến rác thành tiền” mà nòng cốt chính là việc tuyên truyền tới hội viên và người dân tự phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại hộ gia đình. Đến nay, mô hình này đã khẳng định hiệu quả thiết thực và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Sau 5 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 45 nghìn hộ gia đình tham gia phân loại rác thải tại gia đình. Trong quá trình thực hiện, với 2 hình thức, đó là: Phân rác thành 2 loại, là rác phế liệu để bán lấy tiền và rác tổng hợp thu gom mang tới nhà máy xử lý; Phân chia rác sinh hoạt làm 3 loại, gồm: rác hữu cơ để ủ phân vi sinh hoặc tái sử dụng chăn nuôi; rác phế liệu, bao gồm cả rác thải nhựa được thu gom để bán lấy tiền; rác tổng hợp khác không thể tái chế, tái sử dụng được thu gom vận chuyển, xử lý tại các nhà máy.

Các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa của Hội LHPN TP.Hạ Long tại hội chợ OCOOP thu hút nhiều người đến mua sắm

Theo đó, đã có trên 2.500 hộ gia đình tại 5 địa phương trong tỉnh tham gia triển khai việc ủ rác hữu có thành phân vi sinh, đã có hàng nghìn tấn rác thải hưu cơ tại các hộ gia đình được ủ thành hàng trăm tấn phân vi sinh được dùng cho cây trồng, vật nuôi.

Điển hình như tại TP.Móng Cái, hiện nay đã triển khai tới 100% cơ sở Hội với 500 hố ủ rác hữu cơ, đây là mô hình kinh tế tuần hoàn từ rác hữu cơ, đem lại lợi ích thiết thực, góp phần giảm đáng kể lượng rác hữu cơ thải ra môi trường, thay thế một lượng lớn phân hóa học, làm tăng giá thành và chất lượng an toàn thực phẩm của nhiều loại rau củ, quả.

Hội Phụ nữ phường Quang Trung, TP.Uông Bí tiên phong trong việc thực hiện thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình

Hay như năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh triển khai Dự án mạng lưới hoạt động về tiết giảm, tái chế và tái sử dụng RTN (3R) ở Việt Nam trên địa bàn TP.Hạ Long. Đến nay, sau gần 2 năm triển khai, đã có 24 nghìn hội viên tham gia các hoạt động dự án, thu gom được gần 3 triệu chai nhựa đã qua sử dụng. Các chai nhựa này được sử dụng làm gạch sinh thái xây, ghép thành 100 công trình bao gồm bồn hoa, bàn, ghế ngồi tại các nhà văn hóa khu phố. Đồng thời, thu về gần 400 triệu đồng từ việc bán hàng nghìn các sản phẩm thủ công tái chế từ dây đai buộc gạch, túi bạt, ni-lông.

Đến nay, tổng số tiền thu được từ mô hình “Biến rác thành tiền” tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh là gần 3 tỷ đồng. Với số tiền thu được từ mô hình này sẽ dùng làm quỹ cho các chi, tổ Hội, sử dụng vào việc thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình nghèo, khó khăn, bị hoạn nạn. Tại một số cơ sở Hội, mô hình “Biến rác thành tiền” đã trở thành hoạt động hỗ trợ giúp đỡ gia đình hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có việc làm và tăng thu nhập giải quyết khó khăn trong cuộc sống thông qua hình thức “cho - tặng rác”.

Tổ thu gom, vận chuyển rác thải đến điểm tập kết theo quy định tại xã Hoàng Tân, TX.Quảng Yên, góp phần đảm bảo môi trường

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội LHPN TP.Hạ Long cho biết, việc phân loại rác theo mục tiêu 3R mang lại lợi ích cho chính mỗi gia đình chị em, nên đã làm tăng tính tự giác, ý thức chủ động tích cực của mỗi người dân, mỗi gia đình, góp phần bảo vệ môi trường sống trong cộng đồng dân cư.

Qua 5 năm triển khai mô hình “Biến rác thành tiền”, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, đã góp phần nâng cao ý thức của hội viên, cũng như người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, góp phần xây dựng Quảng Ninh ngày càng phát triển theo hướng thân thiện với môi trường.

Phạm Hoạch