Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng: “Thừa Thiên Huế cần đổi mới tư duy phát triển, khai thác tốt tiềm năng văn hóa”

Trong nước - Ngày đăng : 18:48, 22/10/2020

(TN&MT) - Chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, Huế cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy phát triển, nhất là tư duy về phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; tư duy về phát huy tối đa, hiệu quả các lợi thế riêng có; nhất là truyền thống, phong cách đặc trưng của “con người Huế”...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đến tham dự Đại hội

Kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế khóa XV trình tại Đại hội do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ trình bày cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn tại trong nhiệm kỳ qua.

Đó là quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thiếu các nhân tố mới để đột phá, tốc độ tăng trưởng của tỉnh chưa cao. Thu ngân sách chưa đảm bảo tự cân đối, cơ cấu nguồn thu thiếu bền vững. Tốc độ phát triển đô thị còn chậm, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn lực để phát triển văn hóa - xã hội còn hạn chế. Hoạt động của bộ máy chính quyền một số nơi còn yếu. Trách nhiệm nêu gương của một số lãnh đạo, quản lý chưa cao; chưa có sự bứt phá trong công tác lãnh, chỉ đạo...

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tại Đại hội

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ, trong những ngày này, tỉnh chúng ta đang phải oằn mình gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ gây ra, trong đó có sự hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, tôi xin thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chia sẻ những đau thương, mất mát lớn lao này, xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người mất; đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực của Thừa Thiên Huế đã quyết liệt, khẩn trương, cùng các lực lượng vũ trang cứu hộ, cứu nạn, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại, biểu dương ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết, đùm bọc của mọi người dân tỉnh nhà và sự ủng hộ, tương thân, tương ái của cộng đồng xã hội với tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bộ Chính trị khẳng định: Với sự khiêm tốn nhất, với phẩm chất khiêm nhường, đằm thắm của con người tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng ta có quyền tự hào về những kết quả của sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ đạo Đại hội

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, tự hào với những thành tựu đạt được, song chúng ta cũng cần nghiêm túc xem lại những mặt còn tồn tại, hạn chế với trách nhiệm cao...

Vì sao chúng ta là tỉnh có nhiều lợi thế riêng có, nhưng phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; kết cấu hạ tầng sao còn thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị tại sao chưa theo kịp yêu cầu phát triển; tại sao công tác bảo tồn, tôn tạo di tích còn chậm. Cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa có đột phá trong phát triển kinh tế; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa cao. Tại sao Thừa Thiên Huế chưa trở thành một trong những trung tâm lớn về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo. Quốc phòng - an ninh trên một số mặt còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở một số nơi còn khó khăn. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác cán bộ chưa ngang tầm nhiệm vụ mới. Việc kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng chưa thường xuyên?...

“Đây chính là những khó khăn, hạn chế cơ bản, là lực cản trong tiến trình đi lên của Thừa Thiên Huế. Tôi đề nghị Đại hội thảo luận sâu về những hạn chế, yếu kém này, phân tích kỹ nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục một cách có hiệu quả để đưa tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển vững chắc, bền vững trong những năm tiếp theo”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.

Đông đảo đại biểu tham dự Đại hội

Nhằm góp phần xây dựng Nghị quyết Đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh thêm một số vấn đề để Đại hội lưu ý, quan tâm trong quá trình thảo luận:

Trước hết, Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83 của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Huy động, tập trung mọi nguồn lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng về văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; phấn đấu thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hoá, du lịch, về y tế chuyên sâu, về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.

Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy phát triển, nhất là tư duy về phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; tư duy về phát huy tối đa, hiệu quả các lợi thế riêng có; nhất là truyền thống, phong cách đặc trưng của “con người Huế”. Tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế bền vững, cơ cấu lại kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng phát triển bền vững và kinh tế tri thức. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.

Phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, trong đó, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thông qua việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Phát triển ngành công nghiệp theo hướng phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa bàn trong tỉnh và nhu cầu của thị trường. Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Phát triển rừng bền vững gắn với nâng cao giá trị gia tăng.

Ủng hộ đồng bào bão lũ

Thứ ba, đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin bảo đảm sự hài hoà giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế; sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển; giữa giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống với đổi mới, sáng tạo. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thứ tư, chú trọng phát triển bốn nhiệm vụ trung tâm Báo cáo chính trị đã đề cập, trong đó, đặc biệt quan tâm phát triển văn hoá xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá truyền thống, xây dựng Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hoá đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc và bản sắc văn hoá Huế. Tập trung xây dựng và nâng cao năng lực các thiết chế về y tế trên địa bàn để xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia. Phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh theo hướng hình thành các tổ chức nghiên cứu chuyên sâu, đủ sức giải quyết các nhiệm vụ khoa học công nghệ của tỉnh, của vùng và của quốc gia.

Thứ năm, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, các gia đình có công với nước. Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tặng quà cho người dân

Thứ sáu, Đảng ta xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Vì vậy, Đảng bộ, các cấp ủy đảng cần quan tâm hơn, đầu tư nhiều trí tuệ và công sức lãnh đạo, chỉ đạo đúng với ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ này. Công tác xây dựng Đảng phải được thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ và có chất lượng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ. Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; tăng cường gắn bó mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Không để xảy ra tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị và đạo đức, lối sống; kiên trì, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

“Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin tưởng rằng với truyền thống đoàn kết, cách mạng, anh hùng và quyết tâm chính trị cao, có những giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội, với một Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới đủ mạnh, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế nhất định sẽ vượt qua khó khăn, thử thách, chủ động nắm bắt thuận lợi và thời cơ, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội đảng bộ Tỉnh lần thứ 16; cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Dịp này, bà Tòng Thị Phóng cũng đi tặng quà cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Thừa Thiên Huế, hỗ trợ người dân thuộc dự án di dân ra khỏi Kinh thành...

Văn Dinh