Miền Trung không đơn độc: Triệu triệu trái tim hướng về vùng lũ

Xã hội - Ngày đăng : 14:54, 22/10/2020

(TN&MT) - Những ngày qua, mưa lũ liên tục hoành hành tại Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị. Lũ đến mang theo những mất mát, đau thương nhưng ở đó, chúng ta cũng thấy được tình người sâu sắc khi từng giờ, từng ngày, Đảng, Nhà nước cùng người dân cả nước luôn dõi theo, cùng hướng về miền Trung ruột thịt.

Ngày 19/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ để đánh giá về tình hình mưa lũ và công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại các tỉnh miền Trung. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chỉ đạo khắc phục với các phương án sẵn sàng hơn nữa để cứu nhân dân với tinh thần “không được để dân đói, không được để dân rét, màn trời chiếu đất”.

Sát cánh cùng nhân dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ những mất mát, hy sinh rất lớn của đồng bào miền Trung, đặc biệt là những gia đình có người bị nạn; cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ. Thủ tướng cũng đánh giá cao sự vào cuộc của các lực lượng từ Trung ương đến địa phương trong phòng chống, khắc phục mưa lũ, nhất là các lực lượng quân đội không ngại hiểm nguy để cứu lấy sinh mạng, tài sản của nhân dân.

Nhận định tình hình mưa bão tiếp tục có những diễn biến phức tạp trực tiếp đe dọa các tỉnh miền Trung trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành sẵn sàng hơn nữa các phương án ứng phó, trên tinh thần không để dân đói, không để dân rét, không được để dân màn trời chiếu đất và tích cực chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn nhưng phải an toàn. Bên cạnh đó, ngành TN&MT, khí tượng thủy văn phải làm tốt hơn nữa công tác dự báo.

Để hỗ trợ giúp các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xuất gạo dự trữ quốc gia và tạm cấp từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 cho 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ, thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, an sinh xã hội theo chế độ, chính sách của Nhà nước.

Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, khắp nơi, các Bộ, ngành đang cùng chung tay hướng về miền Trung. Không chỉ trong nước, các tổ chức quốc tế đã và đang cùng chia sẻ với những khó khăn, chung tay với người dân để ủng hộ đồng bào miền Trung. Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã quyết định chuyển hàng viện trợ tới nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, gồm 50 máy lọc nước và 250 tấm trải nhựa.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 19h/20/10, còn 124.569 hộ dân tại 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình còn ngập. Trong đó, Hà Tĩnh có 26.171 hộ tại 9 huyện, thị, TP: Hương Khê, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh, TX. Kỳ Anh và Vũ Quang; trọng điểm là ở các huyện Cẩm Xuyên: 13.393 hộ, Lộc Hà: 1.600 hộ, TX. Kỳ Anh: 1.383 hộ và TP Hà Tĩnh: 2.300 hộ, nước đang tiếp tục rút.

Hỗ trợ đồng bào miền Trung. Ảnh Dương Thùy

Lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái

Miền Trung đang gian lao. Cả nước thao thức cùng miền Trung ruột thịt. Ngủ sao được khi mà những tiến kêu thất thanh giữa biển nước mênh mông ấy cứ văng vẳng bên tai. Ngủ sao được khi những cánh tay yếu ớt khuơ khoắng giữa đêm đen cứ chập chờn trước mắt.

Những ngày qua, chúng ta đã thấy công tác cứu nạn, cứu hộ nhiều nơi đã được triển khai khẩn trương. Gác lại những nỗi đau, người dân miền Trung vẫn đang chìm trong biển lũ khi lượng mưa những ngày qua vẫn tiếp tục ở mức cao, hàng nghìn ngôi nhà chìm trong biển nước. Và theo tiếng gọi vì nhân dân, những người lính làm cứu nạn, cứu hộ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ.

Những mất mát, đau thương do đợt lũ này mang đến rất lớn. Đã có tới 133 người chết và mất tích tính đến hết ngày 21/10. Hàng vạn ngôi nhà bị ngập, bị sập, hàng nghìn ha hoa màu, hàng nghìn gia súc, gia cầm… bị cuốn trôi. Đồng bào miền Trung đang phải liên tục gánh chịu những nỗi đau chồng chất nỗi đau.

Nhưng không để những người dân miền Trung ruột thịt phải một mình gánh chịu nỗi đau, tiếng gọi vì miền Trung ruột thịt đã vang khắp mọi miền của Tổ quốc. Hàng nghìn người dân, bằng những hành động thiết thực đều hướng về miền Trung thân yêu.

Trong lúc bốn bề mênh mông nước như thế này, bà con miền Trung cần lắm những nhu yếu phẩm cần thiết để không bị đói, không bị khát, để có sức chống chọi với thiên tai khi nước vẫn ngập cao, chưa chịu rút.

Và khi nghe tin người dân nhiều huyện của Hà Tĩnh đang ngập sâu trong biển nước, người dân Nghệ An, từ các huyện Thanh Chương, Quỳ Hợp… đã tổ chức nấu bánh chưng. Hàng trăm người cùng tham gia gói bánh, luộc bánh xuyên đêm để mong sớm chuyển đến các vùng lũ. Nhiều người dân đã và đang có các kế hoạch thiện nguyện, đi vào vùng lũ hỗ trợ người dân.

Trên mạng xã hội những ngày qua, người dân đã chia sẻ những hình ảnh đồng bào miền Trung gian khó trong mưa lũ và kêu gọi cùng chung tay hướng về miền Trung. Đó không chỉ là những lời nói suông trên thế giới ảo mà bằng những hành động từ thực tế.

"Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng". Xã hội luôn cần lắm những tấm lòng. Những tấm lòng nhân ái sẽ giúp con người vững bước qua cơn hoạn nạn. Những tấm lòng yêu thương con người, tư duy và hành động đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân, nếu được nhân rộng và trở nên phổ biến trong xã hội.

Tại Quảng Bình còn 98.398 hộ bị ngập tại 7 huyện, thị, TP: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa, TX Ba Đồn, TP Đồng Hới và Quảng Trạch; tập trung chủ yếu ở các huyện Lệ Thủy: 32.000 hộ, Quảng Ninh: 13.067 hộ, Bố Trạch: 13.924 hộ, TX Ba Đồn: 22.032 hộ, nước đang rút chậm.

Thiên Trường