Một khúc ruột đau, cả nước quặn lòng

Xã hội - Ngày đăng : 14:52, 22/10/2020

(TN&MT) - Sức chịu đựng của người miền Trung thật phi thường khi cùng dải đất oằn mình hứng chịu thiên tai, cơ cực cho hai đầu đất nước.

Đối với người dân miền Trung, mưa lũ đến hẹn lại lên nhưng đợt mưa lũ lần này, không ai có thể lường được lại nặng nề đến thế. Chỉ trong vòng 1 tháng, 8 tỉnh, thành phố miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng của 8 loại hình thiên tai do 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới, hai đợt mưa lớn kéo dài, lũ lớn vượt mức lịch sử trên 14 tuyến sông.

Lũ đến kéo theo những câu chuyện đau lòng khi cả một gia đình bị sạt lở vùi lấp, vợ chồng sinh ly tử biệt do người vợ bị nước lũ cuốn trôi trên đường đi sinh, có gia đình có người qua đời đành phải treo quan tài sát nóc nhà, nơi duy nhất nước lũ chưa dâng đến, những mái ngói bị dỡ bỏ vài viên, nhìn kỹ chỉ thấy cánh tay những người đang cầu cứu… Nhiều người được sơ tán đến những căn nhà cao hơn trong thôn nhưng lại đối mặt với sự đói khát giữa biển nước ngầu đục vẫn đang cuộn chảy...

Vận chuyển nhu yếu phẩm cứu trợ người dân vùng lũ

Mưa lũ rồi sẽ đi qua, còn tình người ở lại. Người miền Trung thiệt thòi, nhưng người miền Trung không đơn độc. Một khúc ruột đau, cả nước quặn lòng. Không ai bị bỏ lại phía sau! Sự chung tay của cộng đồng trợ giúp người dân vùng lũ lúc này là vô cùng cần thiết để người dân thấy, trong hoạn nạn, mình không đơn độc, thêm vững đôi chân, gạt bùn đất, đứng lên dựng lại cuộc sống.

Vật chất trước mắt rồi sẽ đến với nhân dân miền Trung nhiều hơn, kịp thời hơn. Nhưng lâu dài và lớn hơn chắc chắn Nhà nước cần có sự nghiên cứu, quy hoạch, đầu tư và phát triển một cách phù hợp, có chiều sâu hơn nhằm có được những công trình cảnh báo, ngăn lũ, chia lũ… để người miền Trung không còn phải sống trong sợ hãi khi năm nào cũng phải đi qua nỗi lo hết nắng nung khô đồng ruộng đến bão, lũ khiến họ phải trắng tay.

Và điều cần hơn cả là một chính sách căn cơ để người dân sống an toàn trên những vùng đất ấy. Bởi không thể cứ lũ lụt là dỡ nhà, dời làng chạy quanh! Sau lũ quét và tang thương ấy, ai là người trả lời cho những mất mát mà người dân phải gánh chịu hôm nay?! Có vị lãnh đạo địa phương nào dám đứng ra nhận trách nhiệm về những cánh rừng nguyên sinh bị cạo trọc, lòng núi bị đục khoét, lòng sông bị hút cạn, đến cả những công trình thủy điện lớn nhỏ xây dựng tràn lan?

Vài chục năm trở lại đây, bão lũ năm sau bao giờ cũng dữ dội hơn năm trước. Thiệt hại theo đó cũng ghê gớm hơn. Chúng ta đã ứng xử thô bạo với thiên nhiên và bây giờ phải gánh chịu hậu quả. Điều đó nhiều người thấy, nhiều người nói. Thế nhưng chúng ta vẫn chưa có những quyết sách thật mạnh mẽ, những hành động thật cương quyết với nạn phá rừng.

Nếu cứ chắn sông xây đập, cứ để rừng tàn lụi, cứ chú tâm vào con số phần trăm tăng trưởng ảo, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều cơn giận dữ của thiên nhiên. Cái giá, nếu quy ra được bằng tiền, còn cao gấp trăm ngàn lần cái lợi vẽ trên giấy tờ dự án.

Hơn bao giờ hết, những thiên tai dồn dập, những cú đánh úp “lũ chồng lũ” mà người dân miền Trung đang chịu đựng rất đáng được tính toán hoạch định trong một chương trình sinh kế lâu dài và bền vững từ phía Nhà nước và Chính phủ, chứ không thể chỉ trông chờ vào sự từ tâm của cộng đồng sau mỗi đận gian nan như những ngày này.

Phương Anh