Bộ TN&MT thẩm định 2 đề án thăm dò khoáng sản tại Bắc Kạn và Quảng Bình
Thời sự - Ngày đăng : 14:25, 22/10/2020
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp |
Tóm tắt đề án thăm dò quặng chì – kẽm khu vực Nậm Shi (thuộc khu Pù Đồn) xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, đại diện Công ty CP tư vấn, xây dựng công nghiệp và hoạt động khoáng sản - đơn vị tư vấn cho biết: Đề án nhằm mục tiêu thăm dò các thân quặng chì kẽm, tính trữ lượng cấp 122, mục tiêu trữ lượng cấp 122 là 5.000 tấn kim loại Pb+Zn; nghiên cứu đặc điểm hình thái, quy mô, chất lượng và tính chất công nghệ quặng; nghiên cứu đặc điểm địa chất thủy văn – địa chất công trình nhằm đáp ứng yêu cầu thiết kế khai thác mỏ.
Theo đơn vị tư vấn, việc thăm dò quặng chì kẽm tại khu Nậm Shi là hết sức cần thiết nhằm chủ động về nguyên liệu cho nhà máy chế biến quặng chì kẽm xã Ba Bồ, huyện Chợ Đồn do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hoàng Nam đã đầu tư xây dựng.
“Các phương pháp thăm dò và khối lượng các dạng phương pháp thăm dò được thiết kế phù hợp đối với loại khoáng sản có cấu tạo dạng vỉa (giả vỉa) cắm thoải. Tuy nhiên trong diện tích thăm dò mới có các tài liệu công trình hào nên trong quá trình thi công đề án cần có những điều chỉnh hợp lý về khối lượng công trình cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng phải đảm bảo mật độ mạng lưới thăm dò tính trữ lượng cấp 122”, đại diện đơn vị tư vấn cho biết thêm.
Trước đó, vào ngày 7/8/2019, tại Hội nghị kỹ thuật góp ý Đề án thăm dò quặng chì kẽm khu Nậm Shi, ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận định: Khu vực thăm dò nằm trong khu vực đã được đánh giá tiềm năng. Tuy nhiên, tài liệu còn hạn chế, các thân quặng đã biết chưa có công trình khống chế dưới sâu, vì vậy, công tác thăm dò phải triển khai các phương pháp theo trình tự, đồng bộ. Quá trình thăm dò cần phải cập nhật thường xuyên kết quả thi công để kịp thời điều chỉnh phương pháp, khối lượng nhằm dẩm bảo hiệu quả. Đề án cần thiết kế khối lượng thăm dò đảm bảo đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng, hiệu quả, hạn chế rủi ro.
Trên cơ sở những góp ý tại hội nghị, Công Ty TNHH Thương mại dịch vụ Hoàng Nam và đơn vị tư vấn đã nghiên cứu, phân tích các tài liệu địa chất, tiếp thu để bổ sung, chỉnh sửa đề án cho phù hợp.
Ông Lê Thái Bình – đại diện Công ty CP tư vấn khảo sát thiết kế và xây dựng Mỏ địa chất báo cáo tại cuộc họp |
Tại cuộc họp, Hội đồng cũng đã thẩm định đề án thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng khu vực phía Bắc mỏ Lèn Đứt Chân, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ông Lê Thái Bình – đại diện Công ty CP tư vấn khảo sát thiết kế và xây dựng Mỏ địa chất, đơn vị thực hiện đề án cho biết: Mục tiêu của đề án là nghiên cứu, làm rõ cấu trúc địa chất, điều kiện địa chất công trình – địa chất thủy văn trên diện tích thăm dò mỏ đá vôi Lèn Đứt Chân.
Ngoài ra, tiến hành thi công các công trình thăm dò để đánh giá chất lượng, trữ lượng đá vôi nguyên liệu sản xuất xi măng, thỏa mãn yêu cầu công nghệ sản xuất xi măng của chủ đầu tư. Mục tiêu tổng trữ lượng đá vôi Lèn Đứt Chân cấp 121+122 là 100 triệu tấn.
Theo ông Lê Thái Bình, mặc dù tài liệu thu thập trên khu vực xin cấp giấy phép thăm dò mở rộng còn hạn chế nhất định, nhưng tập thể tác giả đã tiến hành khảo sát thực địa và đã trực tiếp thi công nhiều phương án thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng. Vì vậy đề án thăm dò đảm bảo tính hợp lý và có độ tin cậy, thi công sẽ có hiệu quả và đạt mục tiêu trữ lượng đề ra.
Đánh giá đề án trên, ông Nguyễn Trường Giang – Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết: Đề án được thành lập phù hợp với các quy định pháp luật về khoáng sản. Hệ phương pháp thăm dò, khối lượng công tác thăm dò của đề án cơ bản phù hợp để đánh giá chất lượng, trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng và làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu thăm dò theo mục tiêu đề ra.
Toàn cảnh cuộc họp |
Tại cuộc họp, đối với đề án thăm dò quặng chì – kẽm khu vực Nậm Shi, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên chỉ đạo đơn vị tư vấn cần phải thiết kế 2 giai đoạn, sau đó mới tính trữ lượng khoáng sản cho hợp lý hơn. Ngoài ra, tính toán đến điều kiện thời tiết bất lợi để gia hạn thời gian thăm dò. Bên cạnh đó, trong quá trình thi công thăm dò, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tổ chức một cuộc họp góp ý với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và một số chuyên gia của Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Đặc biệt, lưu ý trước khi trình giấy phép thăm dò, cần lấy thêm ý kiến của Vụ Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) và Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia.
Về đề án thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng khu vực phía Bắc mỏ Lèn Đứt Chân, Thứ trưởng Trần Quý Kiên yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn chỉnh đề án theo các ý kiến của thành viên Hội đồng.