Kiểm kê 15 chỉ tiêu để đánh giá sự biến động tài nguyên nước

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:24, 22/10/2020

(TN&MT) - Sáng 22/10, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước và Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia đã có buổi báo cáo với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành về tình hình xây dựng đề án kiểm kê tài nguyên nước quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chỉ đạo tại cuộc họp

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban Điều tra cơ bản tài nguyên nước mặt (Trung tâm quy hoạch điều tra tài nguyên nước quốc gia) cho biết: Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm kiểm kê số lượng, chất lượng nước và các hoạt động khai thác sử dụng liên quan đến tài nguyên nước trên phạm vi toàn quốc, bao gồm 2416 sông nội tỉnh thuộc các hệ thống sông lớn và 319 sông nội tỉnh thuộc hệ thống sông liên tỉnh độc lập. Trên cơ sở đó, đánh giá sự biến động tài nguyên nước với chu kỳ 5 năm, 10 năm trước và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước.

Trong đó, phương pháp kiểm kê sử dụng một hoặc tổ hợp các phương pháp như thống kê từ các tài liệu hiện có, các trạm đo cố định, thường xuyên; đo đạc trực tiếp với những lưu vực bị thiếu, không có số liệu để phục vụ tính toán, lập mô hình; mô hình toán mưa-dòng chảy, cân bằng nước.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban Điều tra cơ bản tài nguyên nước mặt - Trung tâm quy hoạch điều tra tài nguyên nước quốc gia báo cáo tại cuộc họp

Dự kiến có 15 chỉ tiêu kiểm kê tài nguyên nước bao gồm: Tổng lượng nước mặt hàng năm; tổng lượng nước mùa cạn; lượng nước mặt hàng năm trên 1 đầu người; lượng nước mặt hàng năm trên 1 đơn vị diện tích; lượng nước từ ngoài chảy vào; lượng nước chảy sang quốc gia/vùng khác; tổng lượng nước chảy ra biển; tổng lượng nước sử dụng hàng năm; tổng lượng nước sử dụng hàng năm theo các đối tượng chính; tổng lượng nước sử dụng trong mùa cạn; tổng lượng nước chuyển giữa các lưu vực sống; tổng dung tích trữ của các hồ chứa; tổng dung tích chống lũ của các hồ chứa; tổng chiều dài sông bị điều tiết; diện tích lưu vực sông bị điều tiết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, do thiếu thông tin số liệu đo thực tế, nên phương pháp tính toán các chỉ tiêu kiểm kê tài nguyên nước chủ yếu dựa vào nguồn dữ liệu mở, số liệu viễn thám. Số liệu thực đo sẽ được sử dụng để kiểm định và hiệu chỉnh kết quả tính toán từ công nghệ viễn thám.

Quang cảnh cuộc họp

Góp ý tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh – Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước cho rằng, cần thống nhất kỳ kiểm kê để xây dựng báo cáo tài nguyên nước. Đồng thời, đề xuất đưa nội dung cơ bản, cốt lõi về các chỉ tiêu, phương pháp thực hiện của đề án vào trong thông tư để làm tiền đề cho những năm sau.

Thứ trưởng Bộ TN&MT yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên nước lên kế hoạch thực hiện cụ thể; làm rõ nội dung kiểm kê tài nguyên nước, các quy định kỹ thuật, phương pháp kiểm kê; thống nhất chuỗi dữ liệu sử dụng kiểm kê trong bao nhiêu năm. Bên cạnh đó, tổ chức các buổi hội thảo để lấy ý kiến, góp ý của các chuyên gia, đơn vị liên quan. Ngoài ra, Viện Khoa học tài nguyên nước cần điều chỉnh và hoàn thiện thông tư về nội dung, biểu mẫu kiểm kê, báo cáo kết quả tài nguyên nước quốc gia để làm đề án.

Thứ trưởng Lê Công Thanh đánh giá, sau khi kiểm kê tài nguyên nước, một trong những sản phẩm quan trọng chính là đề xuất quy hoạch cho những năm tiếp theo để số liệu thống kê ngày càng đầy đủ, chính xác, nâng cao hiệu quả và bám sát vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Hoàng Ngân