Thanh Hóa: Chấm dứt tình trạng săn bắt chim trời
Môi trường - Ngày đăng : 14:07, 21/10/2020
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa các ngành chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tình trạng giăng lưới bẫy bắt, mua bán, vận chuyển chim hoang dã trái phép cơ bản được kiểm soát và ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, hiện tại ở một số địa bàn trọng điểm vẫn tái diễn tình trạng giăng lưới, dùng các dụng cụ bẫy, bắt chim hoang dã nhưng chậm phát hiện xử lý, như tại xã Hoằng Đại, TP. Thanh Hóa, huyện Nông Cống, TP. Sầm Sơn. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển các loài chim hoang dã, đặc biệt vào mùa chim di cư; Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan phối hợp triển khai thực hiện một số nội dung.
Cần bảo vệ chim trời để đảm bảo sự cân bằng đa dạng sinh học |
Trong đó, Sở NN & PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nội dung theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các công văn số 11985/UBND-NN và 4276/UBND-NN cũng như các văn bản quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn.
Tại các địa bàn trọng điểm như TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn và các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Công Cống, Nga Sơn, Hậu Lộc, đề nghị kiện toàn lại các Tổ công tác liên ngành cấp huyện, cấp xã về kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi xâm hại các loài chim hoang dã, chim di cư hoặc thành lập mới đối với những địa phương chưa thành lập.
Tình trạng săn bắn chim trời thời gian qua diễn ra ở nhiều nơi, gây bức xúc dư luận |
Đối với các huyện, thị xã còn lại, đề nghị rà soát, xác định các hành vi, nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra. Chú trọng ngăn chặn hành vi săn bắn, vận chuyển chim hoang dã từ rừng tự nhiên, để từ đó xác định những địa bàn cần thiết phải thành lập Tổ công tác liên ngành cấp xã. Đồng thời, duy trì hoạt động, đôn đốc nâng cao trách nhiệm trong quản lý, theo dõi địa bàn, hiệu quả hoạt động của Tổ công tác liên ngành cấp xã.
UBND các xã, phường, thị trấn trọng điểm xây dựng kế hoạch kiểm tra, chú trọng các địa bàn thường xảy ra tình trạng giăng lưới, bẫy bắt, mua, bán, vận chuyển chim hoang dã; thực hiện công tác tuyên truyền gắn với việc tiếp tục rà soát, ký cam kết bảo vệ chim hoang dã. Quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã nếu để địa bàn diễn ra tình trạng giăng lưới bẫy bắt hoặc mua bán, vận chuyển chim hoang dã; tiếp tục xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, bảo tồn, ngăn chặn hành vi xâm hại chim hoang dã là một tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân hàng năm.
Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý thị trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Chi cục Kiểm lâm, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh; thực hiện hiệu quả, ổn định công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển các loài chim hoang dã trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững.
Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm đôn đốc các Trạm Kiểm lâm, Kiểm lâm địa bàn tham mưu cho UBND cấp huyện, cấp xã về nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển các loài chim hoang dã; chủ động phối hợp với cơ quan liên quan để thường xuyên tổ chức kiểm tra địa bàn các huyện trọng điểm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, đặc biệt vào mùa chim di cư; đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.