Ngư dân Thừa Thiên Huế vươn khơi, bám chắc chủ quyền biển đảo
Biển đảo - Ngày đăng : 09:02, 21/10/2020
Mỗi thuyền là mỗi “cột mốc sống”
Trời chập tối, xa xa dưới cơn mưa phùn là chiếc thuyền 90CV với lá cờ Tổ quốc bay phấp phới của ngư dân Trần Hoàng (45 tuổi, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang). Sau chuyến đi biển kéo dài hơn 2 tuần, anh Hoàng cập bờ với khuôn mặt hớn hở bởi thuyền của anh “bội thu” tôm, cá. Tuy nhiên khác với mọi lần, điều anh muốn chia sẻ không phải là vấn đề kinh tế mà là sự chung sức, đồng lòng của bà con ngư dân góp phần bảo vệ vùng biển.
Theo anh Hoàng, đã đi biển thì ngư dân phải nắm vững quy định của pháp luật Việt Nam, Công ước Luật Biển 1982 và các quy định về hoạt động khai thác khơi xa như chế độ thông tin, xác định vị trí tọa độ... để đánh bắt, khai thác đúng ngư trường quy định của nước ta trên khu vực Biển Đông.
“Mỗi đợt đi biển, những thông tin về vị trí tọa độ, phương án đấu tranh trên biển đều được bà con ngư dân chúng tôi phối hợp thực hiện nhằm bảo vệ ngư trường và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, nâng cao hiệu quả khai thác đánh bắt. Chúng tôi mua sắm thêm bộ đàm và radio mới để kịp thời thông tin, hỗ trợ nhau khi có sự cố xảy ra. Khi tổ chức khai thác trên biển, các phương tiện thường giữ khoảng cách gần nhau hơn chứ không xa nhau như trước nữa. Nhìn lá cờ Tổ quốc trên thuyền, ai ai cũng một lòng cố gắng vừa đánh bắt vừa sẵn sàng trước mọi thế lực...”, anh Hoàng thổ lộ.
Mỗi chuyến đi biển, ngư dân Thừa Thiên Huế góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo |
Trước đây, việc đi biển của người dân Thừa Thiên Huế đơn thuần là khai thác thủy sản để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều năm qua trước sự “bành trướng” xâm lấn vùng biển nước ta của Trung Quốc thì tinh thần đoàn kết, vươn khơi đã được đặt lên hàng đầu.
Là người có gần 40 năm gắn bó với nghề đi biển, ông Trần Văn Chiến (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) và nhiều hộ dân trên địa bàn đều hiểu được tầm quan trọng của việc đoàn kết trong khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển trong giai đoạn hiện nay... “Rủi ro của bà con khi ra khơi là luôn tiềm ẩn. Chính vì thế, chúng tôi cần phải đồng lòng lại để đấu tranh bảo vệ mình, bảo vệ ngư trường, bảo vệ biển - đảo thiêng liêng khi có tình huống xấu xảy ra”, ông Chiến nói.
Cũng trong thời gian qua tại Thừa Thiên Huế, các “tổ tàu thuyền an toàn trên biển” đã được lập nên. Nếu một thành viên trong tổ gặp phải sự cố như đau ốm, tàu bị hư hại hay chìm do thời tiết, mất mát ngư lưới cụ, máy móc hỏng hóc… thì các thành viên còn lại của tổ sẽ tham gia đóng góp, hỗ trợ. Hàng ngày, các tàu cá đã phát huy được vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn các tổ viên trong tổ hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ, chấp hành nội quy, quy định khi đánh bắt trên biển.
Mỗi khi gặp sự cố trên biển, nhất là khi tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển quốc gia, các tàu cá đã kịp thời truyền tín hiệu về bờ để các đồn biên phòng có phương án xử lý, đóng góp một phần rất quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Phát huy vai trò ngư dân
Với đường bờ biển dài 128km, hơn 70% dân số sống ở ven biển thì phát triển kinh tế biển là vấn đề trọng tâm của Thừa Thiên Huế, đi cùng với đó là bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Thời gian gần đây, sau mỗi chuyến đi biển về của ngư dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An tổ chức nhiều buổi gặp mặt để tuyên truyền về tính pháp lý chủ quyền Biển Đông của Việt Nam; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân Thừa Thiên Huế vươn khơi bám biển |
Theo Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Thuận An, để nâng cao hiệu quả hoạt động của “tổ tàu thuyền an toàn trên biển”, đơn vị đã thường xuyên tập huấn về nghiệp vụ cho các thành viên trong tổ, trong đó tập trung vào các nội dung cơ bản của Luật Biên giới Quốc gia, Luật Biển Việt Nam...
Trên cơ sở đó, đội ngũ này sẽ làm nòng cốt trong việc vận động nhân dân phát huy vai trò trách nhiệm, tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia...
Tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân luôn được cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế thực hiện thường xuyên để khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu biển đảo. Gần đây nhất vào tháng 9 vừa rồi, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức Chương trình “Tổ quốc trong tim”, tặng trên 2.000 lá cờ cho ngư dân huyện Phú Vang.
“Mỗi con tàu như mỗi một căn nhà của ngư dân trên biển, là mỗi cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển. Hoạt động này với mục đích tuyên truyền cho ngư dân biết về Luật biển và hải đảo. Tặng quà để cho ngư dân để động viên, khích lệ niềm tự hào, tự tôn dân tộc và tạo động lực, tiếp thêm sức mạnh để bà con ngư dân vượt qua những khó khăn; khơi dậy cho những ai vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...”, Đại tá Hà Văn Ái, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 717 phương tiện tàu thuyền khai thác biển. Trong đó, có 420 tàu xa bờ, 228 tàu cỡ trung, 69 tàu cỡ nhỏ. Ngoài ra, trên địa bàn cũng đã đóng mới 40 chiếc tàu khai thác thuỷ sản có công suất từ 400 CV đến dưới 1.000 CV (theo Nghị định 67) và trên 2.000 phương tiện bãi ngang ven biển, đầm phá. Các tàu này không chỉ tổ chức đánh bắt hải sản đưa lại hiệu quả kinh tế, mà còn tham gia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 2019, sản lượng khai thác thủy, hải sản ở tỉnh Thừa Thiên Huế đạt hơn 41.000 tấn.