Quảng Ninh: Tăng cường đầu tư nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:44, 20/10/2020

(TN&MT) - Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực cho công tác cảnh báo sớm thiên tai, xây dựng các mô hình cảnh báo sớm cho khu vực có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất cao, triển khai công trình kinh tế và dân sinh thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm thiểu thấp nhất về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công trình dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, hải văn trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh đã được đầu tư 40 trạm, điểm quan trắc khí tượng thủy văn, bao gồm: 11 trạm khí tượng thủy văn quốc gia; 3 Trạm khí tượng - hải văn; 4 Trạm khí tượng; 3 Trạm thủy văn; 2 điểm đo mưa tự động; 9 điểm đo mưa nhân dân; 18 trạm, điểm chuyên dùng (gồm 15 điểm đo mưa và 3 điểm đo gió tự động). Nhiều đơn vị ngành than và các Công ty thủy lợi cũng đầu tư xây dựng các trạm chuyên dùng để phục vụ cho công tác cảnh báo thiên tai và sản xuất tại các cơ sở. Đồng thời, tỉnh đang triển khai xây dựng trạm khí tượng hải văn Cửa Đối để phục vụ cho cảnh bảo vùng Vân Đồn - Cô Tô.

Tuyến đường ven biển nối Hạ Long - Cẩm Phả hoàn thành rút ngắn thời gian di chuyển, giảm thiếu phát thải, bảo vệ môi trường

Cùng với đó, tỉnh triển khai các giải pháp xây dựng công trình kinh tế và dân sinh thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đẩy mạnh việc hỗ trợ kỹ thuật để người dân, cộng đồng triển khai, mở rộng quy mô các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường. Trong đó, chủ động chuẩn bị các phương án, xây dựng các công trình kinh tế, dân sinh, các điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, vùng, miền, nhất là các địa phương ven biển, vùng núi cao, vùng dễ bị tổn thương trước thiên tai. Cụ thể, đã xây dựng phương án củng cố, tăng cường công tác cứu nạn, cứu hộ tại các điểm du lịch trên vịnh Hạ Long; xây dựng phương án di dời nhân dân trên các làng chài vào đất liền, khu vực sạt lở đất đá trên địa bàn tỉnh; phương án bảo đảm an toàn tuyến đê biển Hà Nam.

Tuyến đê Hà Nam vừa được nâng cấp, góp phần nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Đồng thời, tỉnh tích cực triển khai "Dự án hỗ trợ các phương thức sinh kế thích hợp để thích ứng biến đổi khí hậu tại các tỉnh phát triển nông thôn theo lãnh thổ Thái Nguyên và Quảng Ninh" do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ, thí điểm trên 8 xã thuộc địa bàn TX. Đông Triều và huyện Hải Hà.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh tập trung đầu tư phát triển các loại hình giao thông công cộng sạch và hiệu quả. Điển hình như, tại các khu vực du lịch của tỉnh tại các địa phương như: Móng Cái, Hạ Long, Uông Bí, Vân Đồn, Cô Tô đã đầu tư 385 xe điện phục vụ chuyên chở khách du lịch tham quan đảm bảo thân thiện với môi trường. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng và hoàn thành các tuyến đường cao tốc, nâng cấp, cải tạo chất lượng các tuyến đường trục chính và khu công nghiệp, cảng biển và cửa khẩu giảm thời gian và rút ngắn quãng đường di chuyển của các phương tiện giao thông đồng thời góp phần giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.

Trạm quan trắc nước thải tự động tại mỏ than Cọc Sáu, tại TP.Cẩm Phả

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã xây dựng một số mô hình xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học, áp dụng tại các địa phương gồm Đông Triều, Tiên Yên và Bình Liêu. Trong đó áp dụng ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý môi trường bằng men sinh học, chăn nuôi trên đệm lót sinh học, xử lý chất thải bằng ủ phân hữu cơ, hay sử dụng phân động vật, rác thải sau thu hoạch như: rơm, rạ, trấu, thân cây ngô, bã dong riềng để ủ vi sinh tạo nguồn phân bón hữu cơ và giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền người dân và các đơn vị trên địa bàn tỉnh sử dụng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện vận động nhân dân và doanh nghiệp lắp đặt hơn 2.000 bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Đồng thời, thực hiện Dự án chuyển giao và lắp đặt hệ thống thiết bị phát điện bằng năng lượng mặt trời với 100 bộ thiết bị cấp điện tại chỗ cho các xã đảo như: Quan Lạn, Bản Sen, Ngọc Vừng, Đài Xuyên. Ngoài ra, triển khai thí điểm áp dụng nhiều mô hình về sử dụng năng lượng mặt trời cho một số thiết bị điện dân dụng tại 2 huyện Vân Đồn, Cô Tô và cho một số điểm tham quan trên vịnh Hạ Long.

Huyện đảo Cô Tô sử dụng xe điện vận chuyển khách tham quan, góp phần bảo vệ môi trường

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Ngô Thành Tâm, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Biến đổi khí hậu, Sở TN&MT Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, tiếp tục triển khai chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh, cũng như tập trung nâng cấp hệ thống đê điều, để nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khi hậu đối với khu vực ven biển, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

Phạm Hoạch