Cà Mau: Phát huy thế mạnh du lịch Đất Mũi gắn với phát triển bền vững

Biển đảo - Ngày đăng : 13:28, 20/10/2020

(TN&MT) - Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và các công trình văn hóa trọng điểm của tỉnh, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau là nơi có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển.

Cột cờ Hà Nội hiện diện tại Khu du lịch Đất Mũi, xã Đất Mũi, tỉnh Cà Mau

Nhiều thế mạnh để phát triển du lịch

Thông tin với phóng viên, ông Trần Xuân Trường, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: So với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, du lịch dã ngoại, tham quan các công trình văn hóa. Cụ thể, xã Đất Mũi là điểm cực Nam của Tổ quốc, vì vậy nơi đây có ý nghĩa thiêng liêng đối với người dân Việt Nam, ai cũng muốn một lần được đặt chân đến vùng đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc.

Cùng với đó, tài nguyên thiên nhiên nơi đây rất phong phú với sự đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và rừng phòng hộ ven biển được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới, khu ramsar; đồng thời, hàng năm bãi bồi lấn ra biển từ 80 đến 100m tạo điều kiện mở rộng diện tích rừng ven biển kết hợp phát triển các loại hình du lịch.

Cũng theo ông Trần Xuân Trường, để phát huy những thế mạnh của xã Đất Mũi, trong thời gian qua tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó nỗi bật nhất là việc hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030; đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông; tổ chức giới thiệu quảng bá du lịch Đất Mũi; đào tạo bồi dưỡng cho lực lượng tham gia hoạt động du lịch tại xã Đất Mũi.

Từ sự cố gắng, nỗ lực của tỉnh Cà Mau, đến nay hệ thống giao thông từ TP. Cà Mau đến Khu du lịch Mũi Cà Mau đã được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trãi nghiệm. Cùng với đó hạ tầng tại Khu du lịch Mũi Cà Mau được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới với nhiều công trình như: Cột cờ Hà Nội (do Đảng bộ, Nhân dân Thủ Đô Hà Nội tặng), đền thờ Lạc Long Quân, điểm cuối đường Hồ Chí Minh, góp phần tạo ra những điểm nhấn đặc biệt để thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho thấy, từ năm 2018 đến nay, mỗi năm có hơn 1,5 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trong đó các điểm du lịch như Khu du lịch Mũi Cà Mau, khu du lịch Khai Long là những nơi thu hút đông du khách nhất.

Khu du lịch Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trãi nghiệm

Hướng đến phát triển du lịch bền vững

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho phóng viên biết: Nhằm khai thác tốt tiềm năng cũng như lợi thế để phát triển du lịch, tỉnh Cà Mau đã đề ra mục tiêu trong thời gian tới là sẽ xây dựng các điểm du lịch tại tỉnh Cà Mau nói chung, Khu du lịch Mũi Cà Mau nói riêng trở thành những điểm đến hấp dẫn, có uy tín và phát triển bền vững.

Cạnh đó, xây dựng một số sản phẩm, loại hình du lịch của tỉnh Cà Mau đạt thương hiệu du lịch quốc gia và phấn đấu đến năm 2030 sẽ đón khoảng 2,8 triệu lượt du khách, trong đó có 110 ngàn lượt du khách quốc tế; doanh thu từ du lịch đạt khoảng 7.200 tỷ đồng; tạo việc làm cho 53.000 lao động trong lĩnh vực du lịch.

Theo ông Trần Hiếu Hùng, để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Cà Mau đang tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển du lịch; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch; hỗ trợ cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch, giới thiệu văn hóa bản địa với du khách; mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, nhất là Khu du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch Khai Long và mộ số điểm du lịch vệ tinh theo quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau.

Cùng với đó, tỉnh Cà Mau cũng phát triển chuỗi liên kết các điểm đến du lịch Cà Mau, hình thành chuỗi giá trị dịch vụ phục vụ du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa, các lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc, mang đậm nét văn hóa nhân văn, tâm linh đặc trưng riêng của con người vùng sông nước Cà Mau kết hợp với phát triển du lịch bền vững.

Đối với sản phẩm du lịch, ông Trần Hiếu Hùng cho rằng, tỉnh Cà Mau đang phát triển sản phẩm du lịch gắn với đặc thù của từng khu, điểm du lịch như tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau bằng đường thủy xuyên rừng, phát triển dịch vụ du lịch dưới tán rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tổ chức hoạt động trải nghiệm lướt bùn, trồng cây lưu niệm và tham quan khu vực bãi bồi, khám phá hệ sinh thái ven biển, tham quan mô hình nuôi trồng thủy hải sản...

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau tiếp tục phát triển các điểm du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp hơn, các làng nghề truyền thống như tôm khô, ba khía Rạch Gốc và các khu, điểm du lịch phụ cận trở thành vệ tinh hỗ trợ cho Khu du lịch trọng điểm Đất Mũi.

 

Lê Hùng