Quảng Bình chìm trong biển nước, hơn 57.000 ngôi nhà bị ngập

Môi trường - Ngày đăng : 23:08, 18/10/2020

(TN&MT) - Tính đến chiều tối ngày 18/10, địa bàn tỉnh Quảng Bình mưa lớn vẫn tiếp diễn, nhiều địa phương chìm trong biển nước, có hơn 57.000 ngôi nhà ngập sâu trong nước. Hiện, lũ tại các sông tiếp tục lên nhanh, đặc biệt tại sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy đạt đỉnh 4,30m vượt lũ lịch sử năm 1979 là 0,39m.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) kiêm Phòng thủ dân sự (PTDS) tỉnh Quảng Bình, tính đến tối ngày 18/10/2020, mưa lớn trên địa bàn tỉnh đã khiến 2 người chết, 2 người bị thương; hơn 57.000 nhà ngập chìm trong nước; hàng trăm thôn, xã, bản bị cô lập hoàn toàn, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt và các công trình thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng.

Hơn 57.000 ngôi nhà tại Quảng Bình bị ngập trong biển nước.

Từ 01h00 ngày 16/10 - 17h ngày 18/10, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to, cụ thể: Minh Hóa 960mm, Đồng Tâm 870mm, Tuyên Hóa 711mm, Mai Hóa 528mm.

Mưa lớn đã khiến nước lũ các sông dâng lên nhanh đã làm ngập 57.057 nhà, nhiều nhất là huyện Lệ Thủy với khoảng 30.000 nhà bị ngập nước ở hầu hết các xã thuộc huyện; các huyện: Quảng Ninh 13.067 nhà bị ngập; Bố Trạch 4.028 nhà bị ngập; Minh Hóa 1.080 hộ nhà bị ngập; Tuyên Hóa 615 nhà bị ngập; thị xã Ba Đồn 6.043 nhà; thành phố Đồng Hới 1.159 nhà bị ngập; Quảng Trạch 1.065 nhà.

Hiện, nước lũ trên sông Gianh đang lên nhanh.

Do nước lũ lên nhanh nên số thôn, xã bị chia cắt, cô lập tăng liên tục, cụ thể: Huyện Quảng Ninh có 64 thôn/11 xã, bản bị chia cắt; Tuyên Hóa 23 thôn, bản/10 xã bị chia cắt; Bố Trạch 37 thôn, bản bị chia cắt, cô lập; một số thôn, xã của Lệ Thủy, Quảng Trạch bị chia cắt, cô lập. Hiện tại còn 59 bản/8xã/04 huyện biên giới bị chia cắt, cụ thể: Minh Hóa 17 bản/03 xã; Bố Trạch 20 bản/02 xã; Quảng Ninh 19 thôn, bản thuộc xã TrườngSơn; huyện Lệ Thủy 03 bản/02 xã.

Nước chưa rút thì trận lũ mới lại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa tiếp tục ngập trong biển nước.

Theo báo cáo các địa phương, số hộ đã di dời là 3.657 hộ, trong đó: Huyện Lệ Thủy 955 hộ; Bố Trạch 1.283 hộ; Quảng Ninh 901 hộ; Tuyên Hóa 278 hộ; Minh Hóa di dời 28 hộ; thị xã Ba Đồn 85 hộ; Quảng Trạch 123 hộ; thành phố Đồng Hới 04 hộ. Nhiều điểmm trường, trạm y tế và nhà văn hóa trên địa bàn các huyện bị ngâp nước.

Nước lũ tại huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh lên nhanh khiến hàng chục ngôi nhà ngập sâu.

Mưa lũ làm sụt trượt mái ta luy dương đất, đá tràn xuống nền, mặt đường khiến nhiều đoạn trên các tuyến đường như Quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây; các tuyến Quốc lộ 1, 12A, 12C, 9B, 9C, 9E; đường tỉnh 558C, 559B, 559, 562, 564 và 564B bị ngập sâu, ách tắc. Riêng tại thành phố Đồng Hới, một số tuyến đường nội thành bắt đầu bị ngập.

Nước lũ dâng cao khiến khiến bờ sông Gianh bị sạt lở.

Nhiều hộ dân nằm sát bờ sông có nguy cơ bị lũ cuốn trôi.

 

Tại “rốn lũ” Tân Hóa huyện Minh Hóa gần như cả địa phương này đều chìm trong biển nước. Còn tại thôn Kinh Trừng, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa nước lũ sông Gianh dâng cao khiến 5 ngôi nhà nằm sát bờ sông bị sạt lở, nguy cơ bị nước lũ “nuốt chửng”.

QL 1A tại xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh bị chia cắt.

Trước tình hình mưa lũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh; các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì nghiêm kíp trực; thường trực 100% quân số tại cơ quan, đơn vị và sẵn sàng lực lượng cơ động, phương tiện để tham gia ứng phó mưa lớn, ngập lụt; Công an tỉnh chủ động thành lập các tổ công tác trực ứng phó với mưa lũ; Sở Giao thông vận tải chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố; hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm bảo an toàn...

Hồng Thiệu