Yên nghỉ nhé các Anh giữa rừng xanh đất Huế

Xã hội - Ngày đăng : 14:05, 18/10/2020

(TN&MT) - Không phải thời chiến mới có mất mát đau thương, mà ngay cả thời bình lặng im tiếng súng, máu vẫn chảy giữa dòng lũ cuộn trôi. Sự hi sinh của của 13 cán bộ, sĩ quan đoàn công tác tại Trạm bảo vệ rừng 67 Phong Xuân xã Phong Điền, Thừa Thiên Huế trong khi làm nhiệm vụ một lần nữa khẳng định rằng, chiến tranh hay thời bình, sự vất vả, gian lao, hi sinh quên mình bao giờ cũng đặt lên vai người lính.

Vĩnh biệt đồng đội, ảnh Nguyễn Khánh

Đó là những anh hùng chẳng khác thời chiến trận

Sáng nay 18-10, trời Huế âm u. Những đám mây mù kéo về đan kín bầu trời nhưng ráo tạnh không mưa. Có lẽ trời xanh đã thấu được nỗi đau nên ngăn những cơn mưa để lễ truy điệu 13 liệt sĩ được suôn sẻ, chu toàn.

Hàng ngàn người dân, hàng trăm người lính đến Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268 (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) để tiễn đưa 13 sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp của Cục Cứu hộ - Cứu nạn Bộ Quốc phòng; Quân khu 4; cán bộ UBND huyện Phong Điền; Phòng Thông tin-Tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử thuộc Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại Thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 13-10-2020 về nơi an nghỉ cuối cùng. Tất cả những người có mặt ở lễ truy điệu, từ các vị tướng lĩnh quân đội, sĩ quan hay người dân đều không cầm được nước mắt.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng vĩnh biệt các liệt sĩ, ảnh Nguyễn Khánh

Trong giờ phút đau thương không gì bù đắp được, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chia sẻ nỗi đau 13 liệt sỹ trong sổ tang: “Thành phố Huế 18/10/2020. Vô cùng thương tiếc các đồng chí đã hy sinh anh dũng trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn những người dân mất tích tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Các đồng chí là những tướng lĩnh, cán bộ lãnh đạo chính quyền, các sĩ quan, chiến sĩ và nhà báo. Sự hy sinh của các đồng chí là biểu tượng cao đẹp của truyền thống dân tộc, biểu tượng của tinh thần dũng cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ vì nước vì dân. Những hành động quên mình cứu dân của các đồng chí là tấm gương sáng ngời và còn mãi với người dân và các thế hệ mai sau. Noi gương các đồng chí, đồng chí, đồng đội của các đồng chí đang tập trung để thực hiện các nhiệm vụ các đồng chí còn để lại - đang chủ động kịp thời ứng phó với thiên tai, sẽ vượt qua mọi gian khổ để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân - để người dân được sống trong hòa bình, an toàn, ấm no và hạnh phúc. Xin vĩnh biệt những người con dũng cảm của Tổ quốc Việt Nam. Xin chia sẻ đau thương mất mát với gia đình và người thân của các đồng chí”,  Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, viết.        

Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang vĩnh biệt đồng đội, ảnh Nguyễn Khánh

Chứng kiến sự ra đi đột ngột của những người đồng đội cùng chung màu áo lính, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đi quanh linh cữu nhìn mặt đồng đội lần cuối. Thắp nén hương vĩnh biệt, mắt ông đỏ hoe nén chặt nỗi đau. Chia buồn cùng gia quyến 13 đồng đội, ông nắm chặt tay từng người chia sẻ biến đau thương thành sức mạnh, vượt qua nỗi đau không gì bù đắp được.

Mấy ngày qua, Đại tá Phạm Văn Tăng, nguyên Hiệu trưởng trường Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế lòng như lửa đốt. Tâm trạng người cựu binh đã gần tuổi 80 “chết lặng”. Trên khóe mắt ngấn dòng lệ. Ông bảo: “Người lính và vậy đó. Thời chiến trận đi đánh giặc cứu nước, thời bình giúp nhân dân, tất cả vì cuộc sống của nhân dân. Sự hi sinh của 13 đồng chí là nỗi đau không gì bù đắp được. Nhưng nếu không có các anh, ai là người cứu giúp nhân dân lúc thiên tai lũ quét. Chiến tranh hay thời hình, sự vất vả gian lao hi sinh bao giờ cũng đặt lên vai người lính. 13 đồng chí anh dũng hi sinh, đều xứng đáng là anh hùng. Chỉ khác, sự hinh sinh trong thời bình lặng im tiếng súng”.

Quang cảnh lễ truy điệu 13 liệt sĩ, ảnh Nguyễn Khánh

Lặng lòng với những niềm đau

Để biết về hoàn cảnh gia đình của 13 cán bộ, sĩ quan hi sinh, đồng nghiệp của chúng tôi đã về tận Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế để chia sẻ niềm đau với thân nhân các liệt sĩ.

Tại thành phố Thanh Hóa, chứng kiến niềm đau đứt ruột của thân nhân liệt sĩ Thượng tá Hoàng Mai Vui, chúng tôi không cầm được nước mắt.

 Trong căn nhà hẹp ở ngõ 58, phố Tô Vĩnh Diện, phường Điện Biên, cụ Đỗ Thị Tám, 83 tuổi, là mẹ của Thượng tá Vui, Phó trưởng phòng Xe máy, Cục Kỹ thuật, Bộ tư lệnh Quân khu 4 không cầm được nước mắt. Ngước nhìn tấm ảnh con trait reo trên bờ tường cũ ố, bà Tám nghẹn giọng nói: “Tuần trước nó về, nó còn bảo cuối tuần này sẽ về phép rồi lên quê (thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) đón mẹ xuống, để cả gia đình được quây quần bên nhau. Rồi sẽ đưa con trai của nó ra nhập trường học đại học. Ai ngờ, giờ nó đã hy sinh.Tôi như đứt từng khúc ruột”.

Cụ Tám chia sẻ, mươi ngày trước, anh Vui thông báo với cơ quan con trai anh là Hoàng Mai Trung Hiếu vừa đậu Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam. Anh  xin phép cơ quan tạo điều kiện để anh ngày 17 và 18-10 này anh về đưa con trai đầu lòng đi nhập học. Niềm vui, niềm tự hào của người bố đang trào dâng với bao cảm xúc thì thông tin trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, gây ngập lụt một số nơi. Tạm gác lại lời hẹn với con, trưa ngày 11-10, anh lên đường tham gia đoàn công tác của Bộ tư lệnh Quân khu 4 vào tỉnh Thừa Thiên-Huế kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống lũ lụt, tìm kiếm cứu nạn. Trước lúc ra đi, anh gọi điện cho con trai và nói: “Các tỉnh phía Nam Quân khu đang bị ngập lụt, bố phải cùng đồng đội đi giúp nhân dân. Mong sao lũ rút nhanh, bà con an toàn, cuối tuần sau bố sẽ về đưa con đi nhập học”. Anh đã về cõi vĩnh hằng trong lòng đất mẹ với lời hứa với con trai mãi mãi không thực hiện được.

 

Một người thân của liệt sĩ được một thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp quân đội cõng tại nhà tang lễ, ảnh Nguyễn Khánh. 

Tại thành phố Vinh - Nghệ An, ông Nguyễn Kim Anh 60 tuổi, cha của liệt sĩ Nguyễn Cảnh Cường mắt đỏ hoe kể: Khoảng 16 giờ chiều ngày 12-10, ông đi làm về không thấy con trai đâu. Ông nhắn tin qua zalo thì thấy anh Cường gửi ảnh và nhắn đang đi thực hiện nhiệm vụ chống lụt bão. Dù đã quá quen với cảnh anh Cường thường xuyên thực hiện nhiệm vụ như vậy nhưng lúc 5 giờ chiều gọi không thấy con nghe máy, ông đã linh tính có chuyện chẳng lành. “Thằng Cường mới cưới vợ năm ngoái, chưa có con. Tôi buồn quá”.

Chiều muộn ngày 17-10, mưa vẫn tuôn như chưa hề có dấu hiệu ngớt trên dải đất miền Trung. Bầu trời Đồng Hới vẫn một màu xám xịt. Căn nhà số 41, khu phố 1, tổ dân phố 9, phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình – nơi ở của gia đình Thiếu tướng Nguyễn Văn Man rất đông người đến chia buồn.

Ngồi lặng nhìn ra ngoài trời mưa, ông Nguyễn Quốc Khâm, là anh trai cả của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man hồi tưởng về người em trai út của mình: Chú Man là người sống có lý tưởng từ khi còn là học sinh. Sau khi học xong bậc phổ thông, mặc dù thuộc diện được miễn nhập ngũ vì có 4 anh trai đang tại ngũ nhưng em tôi vẫn quyết tâm viết đơn bằng máu của mình để xin tình nguyện nhập ngũ… Câu nói quen thuộc của em tôi thường nói với các anh, các cháu trong gia đình đó là “Cuộc đời mỗi người đều có rất nhiều con đường đi để lập thân, lập nghiệp nhưng con đường đi chân chính và có ý nghĩa nhất là con đường sống vì Nhân dân…”.

Các anh hi sinh nhưng vẫn sáng mãi như những ngọn đèn bão sáng mãi trong gió mưa giữa lòng nhân dân, ảnh Nguyễn Khánh

Lòng đất Huế luôn nhắc nhớ tên các Anh

Sự ra đi của các anh giữa những ngày miền Trung trắng trời mưa lũ càng gieo thêm niềm tiếc thương vô hạn trong lòng của những người ở lại. Và giữa những mất mát lớn lao ấy, chúng ta lại càng thấy tinh thần dân tộc, lòng tự tôn, tự hào, sự đoàn kết, yêu thương đùm bọc của người dân đất Việt tỏa sáng hơn bao giờ hết.

 Sáng 18 thêm một thông tin đau lòng nữa lại làm nhói tim tôi. Vạt lở núi tại địa bàn Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 đã vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, đến 10h35 lực lượng tìm kiếm đã tìm được 3 thi thể. Hiện còn 19 người khác đang mất tích. Có nỗi đau nào hơn nữa thế không?

Huế ơi xin đừng mưa nữa

Để đồng đội tìm các Anh lần nữa

Và tiễn đưa về cõi vĩnh hằng

Nhưng các Anh sống mãi với Rào Trăng

         Và triệu triệu trái tim người dân đất Việt

 Tiễn các Anh về rừng xanh đất biếc

         Trời Huế tuôn mưa, đất Việt đau buồn

         13 ngọn ngọn đèn hồng giữa trời trắng mưa tuôn

Đó là 13 Anh hùng bất tử

 Xin cho mưa đừng đi qua hậu cứ

Xin cho trời bớt bão tố cuồng phong

Các Anh ở đâu? Những tiếng gọi xé lòng

Thân thể vùi sâu dưới tầng đất lạnh.

Tiễn các Anh đi Huế chiều mưa chưa tạnh

Nhói lòng người ở lại phút biệt ly

Các Anh đi chẳng nói câu gì

Quên thân mình vì nước, vì dân 

Lê Khanh