Quảng Bình: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ hành lang bờ biển

Biển đảo - Ngày đăng : 10:51, 18/10/2020

(TN&MT) - Quảng Bình có bờ biển dài hơn 116km, cùng với các đặc điểm địa chất, địa hình đồi - núi - rừng - biển đan xen nhau đã tạo nên những cảnh quan đặc trưng có giá trị du lịch sinh thái lớn. Với những tiềm năng thế mạnh vốn có, là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh Quảng Bình phát triển các lĩnh vực kinh tế tổng hợp về biển theo hướng bền vững.

Dọc bờ biển đi từ Bắc vào Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 5 cửa sông đổ ra biển: sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hòa, sông Dinh, sông Nhật Lệ và 4 đảo nhỏ ven biển, tổng diện tích khoảng 164 ha. Bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp với hệ thống núi đá đổ ra biển tạo nên nhiều bãi tắm và các điểm nghỉ ngơi giải trí kỳ thú như Vũng Chùa - Đảo Yến, Đá Nhảy-Thanh Trạch, Nhật Lệ-Quang Phú, bãi tắm Bảo Ninh, ... thuận lợi cho phát triển du lịch và nghĩ dưỡng.

Bãi biển Đá Nhảy, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch – Khu vực được thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Ngoài ra, vùng ven biển có 04 bến cảng biển: bến Hòn La, bến cảng sông Gianh, bến cảng xăng dầu sông Gianh, bến cảng Thắng Lợi  và một số cảng nội địa khác thuận lợi phát triển ngành dịch vụ trọng điểm logistics. Với vị trí chiến lược là cửa ngõ ra biển trên trục hành lang Đông-Tây nối đường xuyên Á từ Đông Bắc Thái Lan qua quốc lộ 12A với đường hàng hải quốc tế qua cảng biển Hòn La.

Với những tiềm năng thế mạnh vốn có, là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh Quảng Bình phát triển các lĩnh vực kinh tế tổng hợp về biển theo hướng bền vững. Tại vùng ven biển đã và đang hình thành, phát triển các khu du lịch, nghỉ mát, các vùng sản xuất nông - lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cảng và nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Tuy nhiên, đây là khu vực có chế độ động lực biến động mạnh, môi trường liên thông, có các hệ sinh thái đặc thù, rất nhạy cảm dễ bị tổn thương với thiên tai, sạt lở bờ biển, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời, đây cũng là khu vực có các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội sôi động, tốc độ phát triển ngày càng cao ở khu vực ven biển đang trực tiếp hay gián tiếp cản trở quyền tiếp cận biển của cộng đồng, các cơ hội cho người dân tiếp cận với biển bị suy giảm, trong khi nhu cầu tăng lên.

Bãi biển Nhật Lệ bị sạt lở do mưa lũ.

Chính vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu về quản lý nhà nước, đảm bảo việc khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ và duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

Trong đó công tác thiết lập và bảo vệ hành lang bờ biển theo hướng bền vững được quan tâm hàng đầu. Ngày 02/07/2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 2200/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Những khu vực được thiết lập hành lang bảo vệ được đánh giá là khu vực bờ biển có bãi cát tự nhiên, khu vực có rừng phi lao chắn cát, khu vực dễ bị tổn thương do ảnh hưởng sạt lở bờ biển, biến đổi khí hậu; các khu vực tập trung đông dân cư với sinh kế chính là đánh bắt, nuôi trông thủy hải sản và dịch vụ hậu cần ngư nghiệp.

Quảng Bình có 22 khu vực được thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Trao đổi với PV, ông Phan Đình Hùng – Chi cục phó Chi cục Biển và Hải đảo, Sở TN&MT Quảng Bình, cho biết: “ Ngày 27/2/2019 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2484/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí Dự án “ Điều tra, khảo sát, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh Quảng Bình,”. Ngau sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp đơn vị tư vấn tổ chức Hội thảo xin ý kiến góp ý của các sở ngành địa phương về danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Đến ngày 02/07/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2200/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, trong đó có 22 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Thiết lập và quản lý hiệu quả hành lang bảo vệ bờ biển là nhằm để quản lý bền vững hệ thống ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái trước nguy cơ ngập lụt, xói, sạt lở bờ biển”.

Bãi biển Quảng Phúc, TX. Ba Đồn nơi sạt lở đang ngày càng tiến sát vào bờ kè.

Hành lang bảo vệ bờ biển được sử dụng như là một công cụ ngày càng phổ biến trên thế giới trong triển khai phương thức quản lý tổng hợp biển, hải đảo. Quản lý hiệu quả hành lang bảo vệ bờ biển sẽ đóng góp đáng kể vào việc quản lý bền vững hệ thống ven biển, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, bảo vệ các quần thể trước nguy cơ ngập lụt, xói, sạt lở bờ biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Đồng thời, bảo đảm quyền tiếp cận biển của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân; duy trì giá trị thẩm mỹ của bờ biển góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng vùng ven biển tỉnh Quảng Bình.

“Ngày 02/07/2020, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định số 2200/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Theo đó, 22 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài là 94.122,37m thuộc 19 xã, phường ven biển. Trong đó, huyện Quảng Trạch có 6 khu vực, tổng chiều dài trên 12km; thị xã Ba Đồn có 2 khu vực, tổng chiều dài trên 8km; huyện Bố Trạch có 7 khu vực, tổng chiều dài trên 18km; thành phố Đồng Hới có 3 khu vực, tổng chiều dài trên 15km; huyện Quảng Ninh có 2 khu vực, tổng chiều dài trên 10km và huyện Lệ Thủy có có 3 khu vực, tổng chiều dài trên 26km”.

 

Hồng Thiệu