Kỷ niệm 59 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2020): Một thời hoa lửa với tàu không số
Xã hội - Ngày đăng : 11:25, 17/10/2020
Ông là Nguyễn Sơn, một trong 7 người từng được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được tổ chức tại Bộ Tư lệnh Hải quân Hải phòng hồi cuối năm 2015.
Tấm kỷ niệm chương có Tàu không số ông Sơn luôn coi đó là báu vật một thời hoa lửa |
Một thời hoa lửa
Ông Nguyễn Sơn đón chúng tôi trong căn nhà cấp bốn do Lữ đoàn 125 xây dựng. Bên ly trà hương lài Nam bộ, ông Sơn cười hà hà: “Chuyện tàu không số thì nhiều lắm. 15 năm chiến đấu ở đoàn tàu không số biết bao chuyện chiến đấu, tình yêu”.
Chú có 5 cái tên lận. Tên mẹ đẻ là Nguyễn Văn Phe, thời gian ở đơn vị 555 tên là Nguyễn Văn Chiến. Tên Chiến là lấy một trong 10 chữ trong lời thề quyết tâm của đơn vị 555 ngày ấy: “Việt - Nam - Hùng – Dũng - Chiến - Đấu - Thắng - Lợi – Vinh - Quang”. Khi vượt biển bí mật ra Bắc tên là Nguyễn Văn Em. Nguyễn Sơn là tên do Phó Thủ tướng Phạm Hùng đặt trên tàu hỏa khi được Bộ Tổng tham mưu đón từ đảo Hải Nam, Trung Quốc về Hà Nội năm 1962. Khi chuyển sang tàu 2 đáy lại tên là Nguyễn Văn Hòa.
6 chiến sĩ Đoàn tàu không số làng chài Phước Hải năm xưa. Ảnh tư liệu (ông Nguyễn Sơn đứng sau bên phải) |
Ông bắt đầu câu chuyện bằng ký ức ngày đầu rời quê hương vượt biển ra Bắc. Cùng với các hướng ở các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, hướng vượt biển ở Phước Hải (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do chiến sĩ Nguyễn Sơn chỉ huy và 5 chiến sĩ khác là Thôi Văn Nam, Trần Văn Phủ, Nguyễn Văn Thanh, Võ An Ninh, Lê Hà ở đơn vị 555 - một đơn vị đặc biệt có mật hiệu CR, thành lập một đoàn vượt biển ra Bắc. Lúc đó Nguyễn Sơn 21 tuổi là đảng viên, 5 chiến sĩ khác có 2 đoàn viên và 3 quần chúng. Ngày 17/2/1962, từ cửa biển Lộc An, 6 chiến sĩ đã bí mật xuống ghe vượt biển ra Bắc. Mỗi người đem theo một hộp sữa bò, 6 bộ quần áo, 12 cheo lưới, 6 giấy thế thân (giấy căn cước) và tình yêu Tổ quốc vô hạn.
Họ đi trên chiếc ghe mui trần suốt 5 ngày đêm vượt qua bao sóng gió mà không ai nản lòng. Bởi ai cũng nghĩ, dù phải chết cũng quyết tâm ra Bắc tiếp nhận vũ khí. Đó là danh dự, là lời thề thiêng liêng của người lính, một khi đã ra đi thì không bao giờ lùi bước. Khi ghe đến Vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) máy tàu bị hỏng. Đúng lúc ấy bị thủy quân lục chiến của địch phát hiện. Chúng bắt 6 chiến sĩ đem giam vào nhà lao Khánh Hòa. Đó là vào sáng 5/3/1962.
Tình huống vô cùng gay cấn, 6 chiến sĩ bấm bụng không thể để lộ bí mật và sẵn sàng hi sinh. Muốn không để lộ tung tích là quân giải phóng miền Đông Nam bộ, bằng mọi cách phải hủy 6 bộ quần áo. Sơn đã bàn với chiến sĩ Lê Hà giả vờ đau bụng. Tên gác thăm dò hồi lâu rồi mở cửa cho mọi người đi vệ sinh. 6 chiến sĩ đã bí mật dìm bộ quần áo giải phóng xuống bùn đen, trong khi những con mắt cú vọ của bọn lính canh gác trên bờ kè không hề rời các chiến sĩ.
Biết không khai thác được thông tin gì từ “mấy ngư dân đánh cá”, địch đã thả 6 chiến sĩ. Đó là một buổi sáng khi bình minh đỏ ối phía chân trời. Cánh cửa sắt rợn người kẹt mở. Một tên địch đứng trước cửa hét: “Cho chúng mày đi”.
Khoảnh khắc ra khởi cửa nhà tù in mãi trong tâm trí người lính già đến tận bây giờ: Ánh bình minh sáng chói hắt vào mắt, biển trời rộng lớn bao la. Trấn tĩnh giây lát, Sơn dẫn 5 chiến sĩ ra phía vịnh Cam Ranh tìm ghe để tiếp tục hành trình. Suốt gần 3 tháng trong tù đói khổ thiếu ánh sáng, nhưng không làm ý chí của các chiến sĩ lung lay, ngược lại càng thôi thúc trong tim họ tình yêu Tổ quốc.
Tàu không số chở vũ khí đạn được vượt biển vào Nam. Ảnh tư liệu |
Rời vịnh Cam Ranh, trên trời nắng chang chang, dưới biển nước bốc hơi nóng. Một bao gạo, 1 can nước, 2 can dầu, ít rau nhặt từ chợ, các anh xuống ghe tiếp tục hành trình đem theo lý tưởng “phải đến được miền Bắc xã hội chủ nghĩa”. Vừa đi vừa bí mật tiếp cận dò la tin tức, móc nối với cách mạng. Nước uống dù tiết kiệm lắm cũng chỉ được 2 tuần. Không thể chết vì khát, các chiến sĩ đã uống nước tiểu của mình. “Các chú biết không, uống nước tiểu vào, mình đái ra nó khai vô cùng. Nhưng nước tiểu cũng không có nữa, vì có gì uống đâu mà đái ra được.
Lúc đó tôi đã nghĩ đến nấu nước biển mặn bằng cách nấu rượu để lấy nước ngọt. Tôi dùng cái nồi nấu cơm, đổ nước biển trong đó, úp vung lên và nấu. Hơi nước ngọt ngưng tụ trên nắp vung. 6 chúng tôi liếm nắp vung nhưng không hết lượt. Không phải là thừa nước, mà là nhường nhịn nhau vì thương nhau quá. Anh em nhìn nhau trào nước mắt. Càng trào nước mắt, càng quyết tâm vượt biển đến hơi thở cuối cùng”. Giọng ông Sơn chùng xuống nghèn nghẹn. Ông nhìn chúng tôi rồi nhìn xuống tấm ảnh kỷ niệm ông và 5 đồng đội chụp trước ngày chia tay gia đình ra đi.
Chuyện tình đẹp như cổ tích
Ngót 60 năm qua, quãng thời gian khá dài để người ta quên đi nhiều thứ, nhưng đối với ông Sơn, “chuyện tình ngày ấy” ông chẳng thể quên. “Tui gọi là chuyện tình ngày ấy vì lâu quá rồi. Nhờ có niềm tin tình yêu mà tui hoàn thành nhiệm vụ trở về. Tiếc là sống với nhau chẳng được bao lâu, mỗi người một ngả, cách trở âm dương”. Ông Sơn đến bên bàn thờ vợ. Tay ông run run cầm nén hương khấn. Nước mắt ông lưng tròng thương nhớ người vợ đã lìa xa ông hơn 20 năm qua.
Ông Sơn kể lại: Đêm trước ngày vượt biển, lúc đó ông tên Nguyễn Văn Chiến xin đơn vị về nhà gặp cô thôn nữ nói lời tạm biệt. Bến Lộc An lồng lộng mùa gió chướng. Dưới tán lá tràm bên Vàm Láng, họ ngồi bên nhau cho tim mình thao thức. Chẳng ai biết nói gì và bắt đầu từ đâu, dẫu trong lòng cồn cào như lửa đốt. Chiến bảo “Mai anh đi rồi chưa biết bao giờ trở lại. Chiến tranh ác liệt quá, anh phải đi”. Tựa đầu vào vai áo Chiến, Phương động viên “Chiến trường đang vẫy gọi, anh cứ đi, em đợi em chờ”. Sớm ngày 17/2/1962, chiến sĩ Nguyễn Văn Chiến và 5 chiến sĩ bí mật xuống thuyền vượt biển ra Bắc. Hành trang đem theo là tình yêu Tổ quốc và lời thề son sắc hẹn gặp ngày đất nước thống nhất. Họ biền biệt xa nhau từ đó.
Ông Nguyễn Sơn thắp hương tưởng nhớ đến người vợ quá cố |
Để tiếp bước người yêu chiến đấu, Phương đã làm đơn tình nguyện tòng quân nhập ngũ vào đơn vị 555, được Má Mười Riều nhận làm con nuôi rồi cho đi học y tá. Sau đó, Phương về công tác ở đơn vị 1500, rồi đơn vị K-76A quân khu 7 với nhiệm vụ cứu chữa thương binh vùng ngoại tuyến chờ ngày đất nước giải phóng hoàn toàn.
Chuyến tàu mang bí số “56” của đoàn tàu không số chở vũ khí đạn dược bí mật vượt biển vào cảng Vũng Tàu ngày 29/4/1975 lúc 9 giờ sáng. Từ loa phát thanh, tiếng cô phát thanh viên dõng dạc: “Tỉnh lỵ Vũng Tàu, Côn Đảo đã được giải phóng hoàn toàn”. Chiến sĩ Nguyễn Sơn ôm chầm lấy đồng đội mà khóc. Nước mắt ngày giải phóng chen lẫn buồn vui.
Ông không bao giờ quên hình ảnh trong đám đông những người có mặt ở cảng Vũng Tàu đón chiến sĩ đoàn tàu không số trở về sáng ấy, có cô chiến sĩ đội mũ tai bèo giải phóng, quàng khăn rằn, tay cầm bó hoa súng ngóng đợi. Họ nhận ra nhau. Giọt nước mắt vỡ òa sau 15 năm xa cách. Chiến tranh kết thúc rồi, quê hương, người thân đang chờ đón những người lính trở về.
Một tuần sau ngày cưới, ông Sơn tạm biệt vợ rồi tiếp tục đi chiến đấu bên chiến trường Campuchia. 2 lần bà Phương sinh con, đều 2 lần ông ở chiến trường. Từ năm 1976 đến 1991, ông trải qua nhiều chức vụ khác nhau và chiến đấu khắp chiến trường Campuchia, chiến trường biên giới Tây Nam. Năm 1992, ông được nghỉ chế độ hưu trí với cấp hàm Đại úy. Xét công lao, thành tích của ông, Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh ùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hồi tưởng những kỷ niệm xưa cũ rồi lại ngắm danh hiệu cao quí của Đảng và Nhà nước trao tặng, nước mắt người lính già lăn dài. Ông tưởng nhớ người vợ thân yêu, những đồng đội năm xưa đã ngã xuống. Đó là giọt nước mắt của hai miền chiến tuyến. 59 năm trước là máu đào đồng đội, sau 59 năm là hoa Đảng rạng ngời.