Bến Tre: Chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế biển
Biển đảo - Ngày đăng : 00:07, 17/10/2020
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vùng ven biển Bến Tre thời gian qua được tập trung đẩy mạnh |
Tạo động lực phát triển kinh tế biển
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế biển, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã và đang triển khai nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp để khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, cũng như góp phần phát triển bền vững khu vực kinh tế biển thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bến Tre đã tập trung đầu tư nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, tạo động lực cho kinh tế biển phát triển. Những cảng cá thuộc các huyện ven biển như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, cùng với các khu neo tránh bão và nhiều hạng mục công trình dịch vụ hạ tầng nghề cá trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng, phát huy hiệu quả tích cực.
Trong đó, hai cảng cá Ba Tri và Thạnh Phú vừa được UBND tỉnh Bến Tre quyết định công bố mở cảng cá loại II. Các cảng cá này có năng lực tiếp nhận tàu cá có chiều dài trên 24m, năng lực bốc dỡ hàng chục ngàn tấn hải sản/năm cùng với khả năng bốc dỡ hàng trăm ngàn tấn hàng hóa cung ứng cho tàu thuyền hoạt động trên biển.
Riêng cảng cá Bình Đại, tỉnh Bến Tre cũng đã có chủ trương đầu tư dự án mở rộng cầu tàu cảng cá nhằm đáp ứng quy mô tiếp nhận khoảng 150 lượt tàu/ngày với tàu có công suất lớn nhất đến 1.000 CV và lượng thủy sản qua cảng khoảng 50.000 tấn/năm.
Nhờ có bờ biển dài trên 65km, tỉnh Bến Tre rất thuận lợi trong phát triển kinh tế biển theo hướng toàn diện, gồm: nuôi trồng, đánh bắt, dịch vụ, cảng cá, phát triển du lịch biển,... Đặc biệt là các ngành kinh tế thuần biển đóng góp giá trị khá lớn trong GRDP của tỉnh.
Theo thống kê, tổng số tàu cá đăng ký toàn tỉnh Bến Tre là 3.910 chiếc, công suất bình quân 346 CV/chiếc, trong đó hoạt động xa bờ 2.162 chiếc, công suất bình quân 588 CV/chiếc, tăng 81 chiếc so cùng kỳ. Trong những tháng đầu năm 2020, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt trên 200.000 tấn.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có 16 dự án điện gió đã được cấp chủ trương đầu tư, trong đó 06 dự án đã được phê duyệt quy hoạch. Có 03 dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Đồng thời, đang hoàn chỉnh hồ sơ để trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch 3 cụm nhà máy điện khí với tổng công suất gần 10.000 MW...
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, nhằm thúc đẩy và phát huy cao lợi thế kinh tế biển, thời gian qua, tỉnh đã nghiên cứu, ban hành một số chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế biển, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà nói chung và 03 huyện ven biển nói riêng.
Với đường bờ biển dài trên 65km, tỉnh Bến Tre đã quan tâm, có bước đi thích hợp và cách làm mới trong quy hoạch phát triển vùng kinh tế ven biển |
Chuyển dịch cơ cấu, đầu tư phát triển
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Lập, tỉnh Bến Tre đã quan tâm, có bước đi, cách làm thích hợp để quy hoạch phát triển vùng kinh tế ven biển một cách khá nhanh và đồng bộ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, kinh tế biển phát triển chưa thật sự bền vững; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn tác động khó lường; đời sống của một bộ phận người dân vùng ven biển vẫn còn nhiều khó khăn.
Qua đó, để phát triển thành công, tạo đột phá một số ngành kinh tế biển, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn 03 huyện ven biển. Tổ chức rà soát, quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp; đồng thời, nghiên cứu các phương án phát triển đô thị ven biển bền vững, đô thị thông minh gắn với đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng phát triển, cũng như nhìn nhận những hạn chế, tồn tại về phát triển kinh tế biển trong thời gian qua, Bến Tre sẽ tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế đột phá. Trước tiên, có sự ưu tiên trong phát triển tiềm năng về năng lượng tái tạo thông qua tập trung triển khai và tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời trên những vùng đất sản xuất kém hiệu quả ở ven biển.
Song song đó, tỉnh Bến Tre cũng sẽ kết hợp phát triển du lịch biển. Trong đó, quan tâm đầu tư và kêu gọi đầu tư hoàn thiện hạ tầng phát triển du lịch, nhất là giao thông, điện, nước tại các vùng có tiềm năng phát triển du lịch biển ở các huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại.
Đối với hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, Bến Tre tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản thích ứng với BĐKH; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến thủy hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về biển, vùng ven biển; thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự vùng biển, bảo vệ ngư dân sản xuất trên biển. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền và vận động ngư dân an tâm bám biển, cũng như tuân thủ việc khai thác, đánh bắt không vi phạm vùng biển nước ngoài, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.
“Bến Tre cũng đã xây dựng các dự án bảo vệ đa dạng sinh học và tiến hành khảo sát, thống kê thành phần loài động thực vật cũng như đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường nước và đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường cho các vùng. Đồng thời nghiên cứu, đánh giá đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh vật vùng cửa sông ven biển tỉnh Bến Tre, đề ra các giải pháp quản lý và sử dụng hợp lý, điều tra, khảo sát hiện trạng TNMT vùng biển ven bờ và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường” – ông Nguyễn Hữu Lập chia sẻ.