Quảng Nam: Lồng ghép nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:33, 16/10/2020

(TN&MT) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch đặt mục tiêu tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về BĐKH, lồng ghép nhiệm vụ thích ứng với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái

Kế hoạch thích ứng với BĐKH tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu như: tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH và lồng ghép thích ứng với BĐKH vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH.

BĐKH đang tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân Quảng Nam

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, tổ chức theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch; Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch; kịp thời tham mưu UBND tỉnh những bất cập, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện để kịp thời báo cáo Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, giải quyết. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố được giao nhiệm vụ xây dựng nội dung chi tiết, dự toán kinh phí thực hiện từng nhiệm vụ, rà soát, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở bố trí kinh phí thực hiện theo quy định....

Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2016, nếu mực nước biển dâng 100 cm, khoảng 0,32% diện tích của Quảng Nam có nguy cơ ngập, tập trung chủ yếu ở hai đô thị lớn là thành phố Hội An và thành phố Tam Kỳ, trong đó, thành phố Hội An có nguy cơ cao nhất 4,32% diện tích, thành phố Tam Kỳ 3,94% diện tích. 

Võ Hà