Tài nguyên nước ĐBSCL cuối tháng 10/2020, dự báo tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 18:20, 15/10/2020
Dự báo mực nước lớn nhất tại trạm Tân Châu trong nửa cuối tháng 10/2020 sẽ đạt khoảng 3,0 m cao hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 0,8 m; xấp xỉ với TBNN và thấp hơn mức báo động cấp I khoảng 0,5m.
Ảnh minh họa |
Vẫn theo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, nửa đầu tháng 10/2020, lượng mưa trong khu vực đã tăng lên do ảnh hưởng của bão số 6.
Lần đầu tiên từ tháng 10 năm 2019, tổng lượng mưa vùng Hạ lưu vực sông Mê Công đã được ghi nhận lớn mức trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 50%. Do ảnh hưởng của bão, lượng mưa tăng chủ yếu từ vùng Đông bắc Thái Lan và Trung-Nam Lào xuống tới Châu thổ sông Mê Công, trong khi vùng Bắc Lào và Thái Lan vẫn ở mức thấp hơn TBNN.
Theo số liệu quan trắc tại trạm Chiềng Sẻn, mực nước duy trì ở mức khoảng 3 m, cao hơn mực nước cùng kỳ năm 2019 khoảng 1 m, nhưng thấp hơn TBNN khoảng 0,5 m và vẫn còn thấp hơn mực nước báo động lũ cấp I khoảng 8,5 m.
Còn lưu lượng dòng chảy tại trạm Chiềng Sẻn đầu tháng 10/2020 dao động trong khoảng từ 1.600 đến 2.100 m3/s, đạt tổng lượng khoảng 2,3 tỷ m3, tương đương với 80% giá trị TBNN và lớn hơn gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.
“Do ảnh hưởng của bão số 6 vào vùng Nam Lào và qua vùng Đông bắc Thái Lan, nên đóng góp dòng chảy cho dòng chính sông Mê Công của các sông nhánh khu vực này tăng mạnh và mực nước dòng chính Mê Công từ trạm Khổng Chàm (Thái Lan - thượng lưu của cửa sông Mun) tăng tương đối nhanh, khoảng 0,6 m/ngày trong giai đoạn từ ngày 8 đến ngày 13 tháng 10.” - Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thông tin.
Theo số liệu quan trắc tại trạm Kra-chê (Campuchia), từ ngày 10/10 mực nước bắt đầu tăng, nhanh chóng vượt mức TBNN khoảng 3m. Mực nước này cao hơn mực nước cùng kỳ năm 2019 khoảng 7m và vẫn thấp hơn mức báo động lũ cấp 1 khoảng 5m.
Tương tự, dòng chảy sông Mê Công cũng tăng nhanh từ ngày 10/10 chủ yếu từ các sông Sê Bang Hiêng ở phía Nam Lào, sông Mun của Thái Lan và các sông Sê Kông, Sê San, Sre-pốc. Do đó tổng lượng dòng chảy tại Kra-chê đầu tháng 10/2020 tăng mạnh, đạt khoảng 24 tỷ m3, cao hơn 70% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn chỉ đạt khoảng 80% so với TBNN.
Chế độ dòng chảy tại Tân Châu và Châu Đốc cũng được cải thiện đáng kể. Theo số liệu quan trắc, mực nước lớn nhất đầu tháng 10/2020 tại trạm Tân Châu dao động trong khoảng từ 2,0 đến 2,5 m. Đến giữa tháng 10/2020 cao hơn mực nước lớn nhất cùng kỳ của năm 2019 là 0,3 m, thấp hơn so với TBNN là 0,5 m, và thấp hơn mức báo động lũ cấp 1 khoảng 1,0 m.
Riêng tổng lưu lượng qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc nửa đầu tháng 10/2020 có xu thế tăng nhẹ lên mức 17.000 m3/s. Tổng lượng dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc đầu tháng 10/2020 khoảng 22 tỷ m3, chỉ đạt khoảng 65% của TBNN, và xấp xỉ tổng lượng cùng kỳ năm 2019.