Làng nghề "mắc kẹt" giữa phát triển với bảo vệ môi trường: Ô nhiễm vì sao chưa dứt?

Môi trường - Ngày đăng : 11:25, 15/10/2020

(TN&MT) - Việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề mặc dù đã được Chính phủ quan tâm, nhưng đến nay vẫn còn nan giải. Nếu chúng ta không phân định rõ ràng về vai trò và trách nhiệm trong việc BVMT làng nghề giữa các Bộ, ngành và giữa Bộ, ngành với các địa phương; nâng cao nhận thức người dân thì vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ rất khó giải quyết.

Môi trường làng nghề bị xếp hàng thứ yếu

Hiện có đến 46% số làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng do nước thải sản xuất xả thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm rất cao mà không qua hệ thống xử lý. Hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, cá biệt, có nơi lên tới hàng nghìn lần. Ngoài ra, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề mây - tre - giang - xiên và chế biến nông sản, thực phẩm cao hơn nhiều lần.

Theo GS.TS. Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội thiên nhiên Việt Nam, nguyên nhân gây ô nhiễm tại các làng nghề là do hoạt động sản xuất tại nhiều làng nghề còn ở quy mô nhỏ, manh mún, gây khó khăn cho việc bố trí xử lý chất thải. Bên cạnh đó, ý thức của chính người dân làm nghề cũng chưa tự giác thực hiện các quy định của pháp luật trong các khâu thu gom, xử lý, quản lý chất thải, bảo vệ môi trường tại các làng nghề... Phần lớn chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, không lường hết tác hại lâu dài của ô nhiễm môi trường. Do đó, họ chỉ lựa chọn quy trình sản xuất thô sơ, sử dụng nhiều lao động trình độ thấp.

Không chỉ nhận thức của người dân làng nghề còn chưa tốt, ngay cả chính quyền địa phương còn bỏ qua những vấn đề môi trường. Một số địa phương vẫn coi trọng kinh tế, coi nhẹ môi trường, vai trò bảo vệ môi trường làng nghề còn khá mờ nhạt. Một số đối tượng khác mặc dù đã nhận thức đầy đủ nhưng vì lợi ích cá nhân nên vẫn cố tình vi phạm. Trong khi đó, công tác quản lý môi trường bị lồng ghép vào chức năng quản lý ngành nên không tránh khỏi nhiệm vụ BVMT bị đưa xuống hàng thứ yếu so với mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề vẫn còn nan giải. Ảnh: MH

Thiếu “nhạc trưởng”

Tình trạng trên xảy ra một phần cũng do bộ máy quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương còn chồng chéo. Vai trò và trách nhiệm trong việc BVMT làng nghề giữa các Bộ, ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT) và giữa Bộ, ngành với địa phương còn chưa rõ ràng.

Theo phân cấp, hiện nay, làng nghề đang phải chịu sự quản lý của quá nhiều cấp ngành chuyên môn: Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý về ngành nghề, lao động; Sở Công thương quản lý về cụm khu công nghiệp làng nghề và tiêu thụ sản phẩm; Sở Xây dựng quản lý về xây dựng hạ tầng xử lý chất thải; Sở TN&MT quản lý về môi trường; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý về du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông quản lý về văn hóa.

TS. Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: Theo Luật Bảo vệ môi trường thì vấn đề BVMT là do Bộ và ngành TN&MT ở các địa phương thực hiện quản lý, nhưng đi vào cụ thể ở các làng nghề thì lại do Sở NN&PTNT phụ trách. Trong khi đó, Cụm công nghiệp làng nghề lại do Sở Công thương quản lý… Nếu cứ giữ nguyên kiểu điều khiển này thì rất khó để giải quyết thực trạng ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay.

Sự chồng chéo này cũng dẫn đến việc xử lý văn bản pháp luật về môi trường chưa được thực hiện một cách đồng bộ và thống nhất giữa các Bộ, ngành, địa phương; việc áp dụng các hình thức xử lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa thực sự nghiêm minh, đặc biệt khi xử lý đối với các cơ sở sản xuất lớn gây ô nhiễm môi trường công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung cho làng nghề còn nhiều vấn đề tồn tại. Ở cấp địa phương, vai trò của của các cấp chính quyền trong quản lý môi trường còn mờ nhạt. Các văn bản pháp luật mới dừng lại ở mức độ quy trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh mà chưa có văn bản quy định trách nhiệm cho UBND từng cấp, thậm chí quy định trách nhiệm đến cấp làng, xã, thôn, bản.

Hành lang pháp lý còn yếu

Nhiều ý kiến cho rằng, đã có nhiều văn bản pháp quy được xây dựng nhằm quản lý môi trường làng nghề nhưng vẫn chưa đầy đủ, thiếu những quy định cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm thu phí BVMT đối với chất thải rắn ở địa phương; chưa quy định rõ tiêu chí về BVMT khi xem xét, công nhận làng nghề; chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng đối với vấn đề BVMT làng nghề theo đặc thù của mỗi loại hình sản xuất…

Các văn bản hiện hành đều quy định chung cho tất cả các loại hình sản xuất kinh doanh nên việc áp dụng nhiều khi không phù hợp hoặc khó áp dụng. Ví dụ, theo quy định hiện hành, mọi đối tượng sản xuất, kinh doanh dịch vụ đều phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết BVMT hoặc phải lập đề án BVMT nhưng cho đến nay, hầu như các hộ sản xuất trong làng nghề vì nhiều lý do khác nhau mà không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường hay đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Thực tế cho thấy, nội dung này rất khó có thể áp dụng được đối với đặc thù làng nghề, do đó cần phải nghiên cứu, ban hành một hình thức Cam kết BVMT với nội dung đơn giản, gọn nhẹ hơn.

Bên cạnh đó, khi tiến hành kiểm tra, các quy chuẩn thải về khí và nước luôn được xem xét và so sánh, cũng được áp dụng đối với các làng nghề. Nếu áp dụng các quy chuẩn đó cho làng nghề thì còn quá cao, vì các cơ sở sản xuất trong làng nghề hiện đều ở quy mô hộ gia đình nên chưa có điều kiện và kinh phí để lắp đặt hệ thống thiết bị xử lý môi trường đạt quy chuẩn hiện hành. Các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường tuy đã được xây dựng nhiều, nhưng vẫn chưa tính đầy đủ những yếu tố đặc thù và khách quan đối với làng nghề nên tác dụng, hiệu lực một số văn bản còn thấp.

Công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung cho làng nghề mới dừng lại ở việc cấp điện, hệ thống giao thông nội bộ sơ sài, hầu hết không có quy định về BVMT, không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Lực lượng cán bộ làm công tác môi trường các cấp còn quá mỏng về số lượng và hạn chế về trình độ.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, cả nước có trên 5.400 làng nghề, trong đó trên 1.800 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận. 60% làng nghề tập trung khu vực phía Bắc, 23,6%, tập trung ở miền trung và miền Nam chiếm khoảng 16,6%.

Linh Chi