Làng nghề "mắc kẹt" giữa phát triển với bảo vệ môi trường: Cụm công nghiệp không phải là “chìa khóa vạn năng”

Môi trường - Ngày đăng : 11:25, 15/10/2020

(TN&MT) - Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, nhiều tỉnh, thành phố đã tiến hành xây dựng các Cụm công nghiệp (CNN) làng nghề với mục đích đưa các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, tập trung lại một chỗ để dễ quản lý. Chủ trương quy hoạch các CCN này là đúng. Tuy nhiên, khi thực hiện đã bộc lộ nhiều vướng mắc, dẫn tới nhiều CCN dần trở thành khu dân cư mới, là hình thức mở rộng phạm vi ô nhiễm.

Hình thành nhiều cụm công nghiệp

Phát triển CCN làng nghề là xu thế tất yếu hiện nay giúp các địa phương xây dựng và phát triển làng nghề bền vững. Vì vậy, Chính phủ cũng đã hỗ trợ sự phát triển của các làng nghề thông qua quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp làng nghề với cơ sở hạ tầng tốt hơn. Theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm, điểm công nghiệp của làng nghề được miễn tiền thuê đất 11 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư…

Với những ưu đãi về thuế phí, nhiều địa phương đã chú trọng đầu tư xây đựng các CCN. Một trong những địa phương đi đầu trong phát triển các khu, CCN là Bắc Ninh. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã có 24 CCN đã được đầu tư thành lập, trong đó có 17 CCN đã đi vào hoạt động và có doanh nghiệp thứ cấp thuê với diện tích đạt 547,09 ha; 7 CCN đang tiến hành đầu tư hạ tầng.

Tại Hưng Yên có 59 làng nghề, trong đó, có tám làng nghề truyền thống. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 18 CCN với tổng diện tích hơn 376 ha, trong đó có 13 cụm đã được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng… Vĩnh Phúc đã hình thành 18 CCN với tổng diện tích hơn 376 ha, trong đó có 13 cụm đã được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng. Nam Định đã xây dựng, đưa tổng cộng 20 CCN làng nghề vào hoạt động.

Việc hình thành và phát triển CCN đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh, đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ngoài ra, các CCN làng nghề đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của các làng nghề, giải quyết được nhiều vấn đề bức thiết trong phát triển sản xuất: Hình thành khu vực sản xuất tập trung ở khu vực làng nghề; di dời được sản xuất ra ngoài khu dân cư; tạo mặt bằng cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện để phát triển; tạo điều kiện xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề…

Cụm công nghiệp làng nghề với mục đích đưa các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Ảnh: MH

Bức tranh CCN vẫn còn mảng tối và chưa hiệu quả

Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, các khu, cụm, điểm công nghiệp làng nghề hiện nay hoạt động chưa hiệu quả so với mục tiêu ban đầu của Chính phủ đề ra. Nhiều khu, cụm, điểm công nghiệp không thể thu hút được các cơ sở sản xuất di chuyển vào và phải để hoang.

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Nguyên Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường, các CCN là khu vực do địa phương quyết định đầu tư nên nguồn lực, nguồn nhân lực và việc đầu tư ở đây hết sức hạn chế. Nhiều CCN làng nghề lại đang biến thành khu vực giãn dân và mở rộng vùng ô nhiễm. Tại hầu hết CCN làng nghề, UBND cấp huyện hoặc cấp xã được giao làm Chủ đầu tư, nhưng cơ sở hạ tầng mới chỉ dừng lại ở việc cấp điện, hệ thống đường giao thông nội bộ đơn giản… mà không có các hạng mục, công trình về bảo vệ môi trường. Nguồn vốn đầu tư hạ tầng được thực hiện dựa trên đóng góp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong Cụm nên vận hành, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng không được thường xuyên... Ví dụ như quy hoạch CCN sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ, Bắc Ninh; mây tre đan Trường Yên, Hà Nội đã trở thành khu vực sinh hoạt và sản xuất mới. Hầu hết các khu/cụm công nghiệp loại này không có công trình xử lý nước thải tập trung, cơ sở hạ tầng nói chung và BVMT nói riêng rất yếu kém,… dẫn tới việc gây ô nhiễm môi trường bởi các chất thải phát sinh và xu hướng này sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu ngay bây giờ không có các giải pháp kiểm soát ô nhiễm hữu hiệu.

Thực tế cho thấy, những nỗ lực sắp xếp quy hoạch lại làng nghề mà không dựa trên điều kiện tồn tại sống còn của nó, tách nó ra khỏi “hệ sinh thái” nghìn năm, tách nghề ra khỏi “làng” đã không thành công. Theo nhiều chuyên gia, giải quyết vấn đề môi trường làng nghề thì phải bắt đầu từ làng, từ xã và phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động, trách nhiệm, sự linh hoạt của chính quyền địa phương cũng như người dân.

Do đó, cần quy hoạch các cụm khu công nghiệp tập trung là đúng, nhưng không phải làng nghề nào cũng đưa vào CCN. Ngay cả khi đã có CCN mà chưa có công trình xử lý nước thải thì việc đưa các làng nghề vào đấy sẽ trở thành di dời điểm ô nhiễm mà thôi.

Mai Chi