Hạn chế tác động tiêu cực của các dự án thủy điện đối với môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 06:32, 15/10/2020
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc phát triển kinh tế cho các tỉnh miền núi phía Bắc, một số dự án thủy điện đã tác động đến đất sản xuất nông nghiệp và rừng, ảnh hưởng tới môi trường, làm gia tăng rủi ro thiên tai... Vì vậy, cần có giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của dự án thủy điện đối với môi trường.
Tại hội thảo, Ths. Nguyễn Tuấn Cường, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: Ở các tỉnh miền núi phía Bắc có 491 dự án thủy điện trong quy hoạch với tổng công suất 13.720 MW, chiếm 49% tổng công suất cả nước. Cùng với các dự án thuỷ điện lớn như Thác Bà, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang, Nậm Chiến, có 194 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã hoàn thành và đi vào vận hành với tổng công suất 9.585 MW, chiếm 70% tổng công suất đã quy hoạch, góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế của các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh nghèo, có tỷ trọng công nghiệp thấp.
Theo đó, một số đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh vai trò phát triển kinh tế của các tỉnh miền núi phía Bắc, một số dự án thủy điện đã tác động đến đất sản xuất nông nghiệp và rừng; một số dự án xây dựng trên dòng chính ảnh hưởng tới môi trường, làm gia tăng rủi ro thiên tai đồng thời đặt ra vấn đề an toàn đập và vùng hạ du… Vì vậy, cần có giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của dự án thủy điện đối với môi trường.
TS. Phan Tùng Mậu - VUSTA phát biểu khai mạc Hội thảo |
Cùng với việc giới thiệu kết quả nghiên cứu về những vấn đề đặt ra với hệ thống công trình hồ chứa thuỷ điện lớn trên lưu vực sông Hồng, TS. Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước cũng đưa ra một số giải pháp phát huy mặt ưu điểm, tích cực của thuỷ điện nhỏ, trong đó kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm tháo gỡ những tồn tại do cơ chế chính sách hiện hành, đặc biệt là chất lượng, nội dung của công tác thuỷ điện nhỏ; quan tâm đánh giá các tác động bất lợi của một số dự án thuỷ điện nhỏ tới cảnh quan môi trường ở vùng có tiềm năng phát triển du lịch...
Phân tích về các tác động của thủy điện đối với môi trường, GS.TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam đề xuất một số giải pháp quản lý và công trình như: xây dựng quy trình vận hành hồ chứa hợp lý đảm bảo chống lũ và hài hòa lợi ích giữa phát điện, chống lũ và chống hạn, không gây cạn kiệt và tác hại phía hạ lưu; nghiêm cấm xả lũ về hạ du có lưu lượng lũ xả lớn hơn lưu lượng lũ về hồ chứa trong cùng thời điểm; đảm bảo dòng chảy môi trường tối thiểu về hạ du trong mùa kiệt… Đồng thời cần có giải pháp về kinh phí và đất đai để trồng bù rừng đã bị ngập trong lòng hồ; xây dựng cơ chế giám sát và giám sát thực hiện quy trình vận hành các hồ chứa, thực hiện quy trình xả cát lòng hồ; cắm mốc bảo vệ hành lang lũ ở hạ lưu các hồ chứa, nghiêm cấm việc san lấp lòng sông suối ở hạ du, nếu cần vẫn phải nạo vét định kỳ.
Quang cảnh Hội thảo |
GS.TS Đào Xuân Học cũng cho biết, cần phải chủ động thích ứng đối với các tác động tiêu cực, có các quy hoạch bố trí và di dời dân cư ven sông, ven biển, những nơi có nguy cơ sạt lở; nghiên cứu giải pháp phi công trình chống xói lở bờ sông, bờ biển, nhằm thích ứng với tác động bất lợi do mất nguồn cung cấp phù sa và do chế độ dòng chảy thay đổi.
"Việc thiếu hụt bùn cát ở hạ lưu các con sông trên thế giới trong giai đoạn đang phát triển dường như là một quy luật tất yếu. Trong giai đoạn đang phát triển, nhu cầu điện tăng cao cần phải xây dựng hồ chứa nước để phát điện, hồ chứa nước sẽ giữ lại bùn cát, nhưng nhu cầu cát cho san lấp nền, cho xây dựng cũng gia tăng, dẫn đến sự thiếu hụt bùn cát nghiêm trọng ở hạ lưu các con sông và vùng ven biển", GS.TS Đào Xuân Học chia sẻ.
GS.TS Đào Xuân Học cho rằng, là khu vực có nhiều đồi núi, thuận lợi lấy đất san nền, cần cấm việc lấy cát để san lấp nền nhà và các khu đô thị; thực hiện xây dựng hồ sinh thái đa mục tiêu cho các khu đô thị mới nhằm lấy đất san nền, giảm úng ngập, cấp nước sinh hoạt cho vùng nhiễm mặn ven biển và cải tạo vi khí hậu cho các khu đô thị./.