Quảng Nam: Người dân lo ngại chất lượng công trình đập Hóc Bầu

Tiếng dân - Ngày đăng : 06:29, 15/10/2020

(TN&MT) - Người dân và chính quyền xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam kỳ vọng công trình nâng cấp, sửa chữa đập Hóc Bầu sẽ đảm bảo nguồn cung ứng nước tưới tiêu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Thế nhưng, công trình đang thi công thì đã để xảy ra sự cố vỡ hoàn toàn đê quay cống đập, cuốn đi nhiều tài sản của của những hộ dân ngay phía hạ lưu.

“Nhân tai” đến trước thiên tai

Khuôn mặt hằn những nét mệt mỏi sau khi lũ đi qua, người dân ở thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự cố đập Hóc Bầu. Ông Trần Đình Phúc, người dân thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú kể lại, sáng sớm ngày 10/10, nước ào ào đổ ra liên tục từ phía đập Hóc Bầu đã cuốn trôi hoa màu, thóc lúa và trâu bò, làm ngập nhiều tài sản khác trong nhà và bứt tung một số dãy hàng rào của những hộ dân ngay phía hạ lưu.

Đập Hóc Bầu đang thi công thì bị vỡ hoàn toàn đê quay cống

“Nước dâng nhanh lắm như sóng thần. Người dân không được được cảnh báo trước nên không dọn dẹp nhà cửa, kê cao thóc lúa chi cả. Của cải, tài sản để ngoài sân và sau nhà thì đều bị nước cuốn đi, vật dụng trong gia đình đều ngập nước. Cũng may là đập vỡ ban ngày chứ nếu vào ban đêm thì thiệt hại còn nặng nề hơn, có thể giật điện xảy ra chết người.”- ông Phúc cho hay.

Quan sát của phóng viên, vào sáng ngày 13/10, nước từ đập Hóc Bầu vẫn chảy ra ngoài theo vết toác rộng hơn 3m, cao hơn 4m.

Theo người dân xã Duy Phú, đập Hóc Bầu được người dân địa phương xây dựng thời gian đã lâu, phục vụ nước tưới cho khoảng 5ha hoa màu của người dân thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú. Từ khi đơn vị thi công triển khai sửa chữa đập Hóc Bầu mới gây ra hiện tượng ngập lụt như vừa qua. Người dân xã Duy Phú cho rằng, ngoài yếu tố thời tiết bất lợi thì sự cố vừa qua có phần lỗi chủ quan của đơn vị thi công.

Người dân lo ngại chất lượng công trình không đảm bảo

Ông Nguyễn Tháp, trú thôn Mỹ Sơn bức xúc cho biết, đơn vị thi công trình đổ thừa do mưa lớn, nhưng thực tế thiên tai chỉ là một phần, nguyên nhân chính là do công trình làm không đảm bảo chất lượng về yêu cầu kỹ thuật.

“Khi chúng tôi phản ánh lên chính quyền xã thì lãnh đạo xã cho biết đây này là công trình do cơ quan chuyên môn của tỉnh làm chủ đầu tư, xã chỉ có chức năng tham mưu để hỗ trợ người dân sau sự cố. Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư phải đền bù thiệt hại chính đáng cho dân mới được tiếp tục xây đập”- ông Tháp bức xúc

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo UBND xã Duy Phú, dự án sửa chữa, nâng cấp đập Hóc Bầu nằm trong Tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) do Ngân hàng Thế giới tài trợ được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt ngày 22/10/2018 với 14 công trình được đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Dự án có chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam với tổng kinh phí phân bổ là hơn 299  tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 6 năm (2016 – 2022).

Nước lũ từ đập Hóc Bầu cuốn phăng đi nhiều tài sản, bứt tung hàng rào của các hộ dân phía hạ lưu

Riêng, công trình đập Hóc Bầu có diện tích lưu vực 0,3 km2; dung tích 205.000 m3. Hồ có một đập đất dài 129 m, chiều cao lớn nhất 7,2 m, một tràn xã lũ rộng 4,9 m; đảm bảo công suất tưới cho 16ha. Công trình có vốn đầu tư 3,5 tỉ đồng, do Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa - Công ty cổ phần thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 11/2021. Hiện nay đã thi công xong tràn xả lũ, xây lắp cống và đắp lại cống đến cao trình trên đỉnh cống khoảng 2m, gia cố 50% mái thượng lưu, đắp đê quay cống lấy nước.

Ông Trần Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phú khẳng định hồ Hóc Bầu đang thi công thì bị vỡ hoàn toàn đê quay cống, nước tràn xuống hạ lưu ảnh hưởng một số hộ dân. Ngay sau khi xảy ra sự cố, xã đã báo cáo huyện đề nghị đơn vị thi công  huy động nhân lực dùng bao đắp chèn dọc hai bên mang cống và trải bạt nhằm chống thêm thân đập.

Lúa thóc đều bị ngập nước và mọc mầm

Liên quan đến chất lượng của công trình đập Hóc Bầu, ông Hải cho biết trong dự án này, xã là địa phương hưởng lợi, tiếp nhận công trình theo hình thức “chìa khóa trao tay” chứ không được giám sát các vấn đề trong quá trình thi công đập. Hơn nữa, đơn vị thi công cũng chưa có báo cáo an toàn hồ đập vào mùa mưa lũ mặc dù địa phương đã cung cấp các số liệu liên quan.

“Với chức năng của xã, chúng tôi đã tiến hành thống kê thiệt hại của người dân khoảng gần 1 tỷ.” – ông Hải cho hay.

Bức tường rào bị đổ sập và cuốn đi bởi dòng nước lũ do sự cố đập Hóc Bầu

Quảng Nam mới bước vào đầu mùa mưa lũ nhưng thiệt hại do sự cố đập Hóc Bầu đã gây ra là không nhỏ đối với người dân. Đây không chỉ là bài học lớn trong việc quản lý đầu tư công trình thủy lợi nói riêng mà còn là dịp để soát xét lại vấn đề quản lý chất lượng các công trình nói chung của địa phương. 

Liên quan đến sự cố hồ Hóc Bầu cũng như chất lượng thi công các công trình hồ đập nằm trong Tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập hồ đập trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Báo TN&MT sẽ tiếp tục tìm hiểu và phản ánh đến bạn đọc. 

Lan Anh